Giấc mơ có vai trò gì? Hay chỉ là sản phẩm phụ của giấc ngủ?

Eleanor Roosevelt

Chính trị gia; nhà hoạt động người Mỹ;
Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ

The future belongs to those who believe in the beauty of their dreams.
– Tương lai thuộc về người tin vào vẻ đẹp trong những giấc mơ của mình.

Giấc mơ vẫn luôn là một trong những khía cạnh bí ẩn và hấp dẫn nhất của giấc ngủ. Từ xa xưa giấc mơ thường được gắn liền với những câu chuyện thần kỳ, chứa đựng những thông điệp tôn giáo hoặc tâm linh.

Cho đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể thống nhất được một sự giải thích rõ ràng và chính xác về sự tồn tại của những giấc mơ cùng với chức năng của chúng.

Dù vậy, sẽ rất hữu ích và thú vị nếu bạn khám phá thêm được những lý giải của khoa học hiện đại về giấc mơ cùng với những tác động tiềm ẩn của chúng đến cuộc sống. Bài viết sau đây phục vụ cho nhu cầu này của bạn.

So 1

Giấc mơ là gì?

Việc đưa ra được một định nghĩa duy nhất cho giấc mơ là gần như không thể – theo kết luận của các nhóm liên ngành đến từ Hiệp hội Nghiên cứu Giấc mơ Quốc tế (the International Association for the Study of Dreams) và Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine).[1, Ch. 1, pp. 11]

Khái niệm về giấc mơ còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Sau đây là một định nghĩa chung, đơn giản giúp chúng ta có được một điểm khởi đầu hợp lý trong hành trình khám phá giấc mơ.

Giấc mơ là một chuỗi những trải nghiệm về hình ảnh, suy nghĩ hoặc cảm giác xảy ra trong một số giai đoạn nhất định của giấc ngủ. Những trải nghiệm này có thể có thật hoặc không, có lý hoặc vô lý, không có phương hướng rõ ràng, thường nằm ngoài sự điều khiển của chủ thể, giàu cảm xúc và phần nhiều bị quên đi sau khi thức dậy.[2, tr. 273-332][3]

So 2

Những đặc điểm chung và nội dung của giấc mơ

Đặc điểm chung của giấc mơ

Hầu hết mọi người mơ khoảng 2 giờ mỗi đêm.[5]

Những cảm giác được truyền bởi các hệ thống giác quan như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác đều được tìm thấy trong giấc mơ nhưng với tỷ lệ khác nhau:[1, Ch.9][5, 6]

  • Giấc mơ xuất hiện phổ biến hơn cả ở dạng hình ảnh trực quan, âm thanh đứng thứ hai về mức độ phổ biến, các giác quan khác có tần suất xuất hiện thấp hơn nhiều.
  • Những hình ảnh trong mơ có thể có màu sắc hoặc đơn giản chỉ là trắng và đen.
  • Giấc mơ của những người bị mù từ nhỏ (trước 4-5 tuổi) chứa đựng nhiều mô tả về các giác quan khác hơn là thị giác. Ngược lại, những người bị điếc thường mơ thấy những hình ảnh sống động khác thường.

Giấc mơ giống như một câu chuyện không ngừng phát triển, được tường thuật liên tục từ chủ đề này sang chủ đề khác, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc.[1, Ch.9]

Câu chuyện mang đậm ý thức bản thân và sự hiện diện của chủ thể. Có thể nói, chúng ta luôn là “diễn viên chính” trong giấc mơ của mình.

Không phải tất cả các giấc mơ đều có yếu tố kỳ lạ, khoảng ¼ các báo cáo về giấc mơ trong giấc ngủ REM không có đặc điểm bất thường nào.[1, Ch. 9]

Theo các nhà nghiên cứu, sự kỳ lạ trong những giấc mơ được não bộ sắp xếp một cách “quyến rũ”, thú vị và có cơ sở chứ không phải là những cảnh tượng lộn xộn, hỗn loạn với vô vàn những chi tiết kỳ quặc như trong những câu chuyện cường điệu được dựng lên về giấc mơ.

Con người thường có cảm xúc khi mơ. Bình thường, những cảm xúc này chỉ ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, được cân bằng tốt giữa tích cực và tiêu cực. Nhìn chung, những trải nghiệm về cảm xúc khi mơ của chúng ta không khác là bao so với khi thức.[1, Ch. 9]

Nội dung của những giấc mơ thường ngày

Như một nhà văn thực thụ, bộ não của chúng ta “thêu dệt” nên vô vàn giấc mơ có cốt truyện vô cùng phong phú dựa trên một vài khuôn mẫu và quy luật nhất định:[1, Ch. 10][5]

  • Nội dung của giấc mơ nói chung thường gắn liền với những sự kiện nổi bật nhất và những mối quan tâm về cảm xúc mà chúng ta trải nghiệm khi thức.
  • Chúng ta hiếm khi cô đơn trong giấc mơ, hầu hết các giấc mơ đều có ít nhất 2 “diễn viên” khác cùng tham gia “diễn xuất”.
  • Trong mơ, các nhân vật thuờng tham gia vào một số hoạt động như: đi bộ, nói chuyện, nhìn…
  • Khoảng một nửa số nhân vật trong mơ là có quen biết với chúng ta, trong khi nửa còn lại là những người xa lạ.
  • Giấc mơ thường xảy ra trong những khung cảnh khá quen thuộc.
  • Tỷ lệ xuất hiện những điều bất hạnh, những rủi ro mà nhân vật không thể tránh khỏi cao hơn khá nhiều so với tỷ lệ xuất hiện những điều may mắn.
  • Trong mơ, chủ thể hoặc một nhân vật khác thường phải đối mặt với một số loại vấn đề như: tìm đồ vật, bị lạc, ngã bệnh, cãi nhau, chạy trốn…

Sự khác biệt về nội dung trong giấc mơ của nam và nữ:[1, Ch. 9]

Khac biet ve gioi tinh trong giac mo

Các giấc mơ đặc trưng

Những giấc mơ có nội dung được gọi là đặc trưng, điển hình khi có nhiều người cho biết đã từng mơ thấy chúng.

Sau đây là Top 15 nội dung đặc trưng, thường xuất hiện trong giấc mơ của một người, ít nhất 1 lần trong đời (không phải là tần suất xuất hiện) và có sự khác biệt về giới tính:[1, Ch. 10, pp. 160]

Noi dung pho bien cua giac mo

Bên cạnh đó, một số nội dung khá phổ biến khác cũng có thể được kể đến như: không thể tìm thấy nhà vệ sinh, răng bị rớt ra ngoài, đang tìm tiền, sở hữu siêu năng lực…  

So 3

Khi nào chúng ta mơ?

Những giấc mơ kỳ lạ, sống động với cốt truyện phong phú (như cách mà chúng ta thường trải nghiệm) thường đến từ giai đoạn giấc ngủ ở trạng thái REM. Ngược lại, những trải nghiệm trong giấc mơ ở trạng thái giấc ngủ NREM có phần “nhạt nhẽo” hơn, thường liên quan đến những ký ức hoặc suy nghĩ rõ ràng với nội dung mạch lạc. [1, Ch. 8] [2, tr. 273-332]

Các nhà khoa học tin rằng, những giấc mơ trong từng giai đoạn khác nhau của giấc ngủ (REM/NREM) sẽ có những chức năng khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này sẽ tập trung vào chức năng của giấc ngủ REM và những giấc mơ xuất hiện trong trạng thái này.

Bạn cũng cần biết rằng, giấc ngủ REM không được phân bố đều trong đêm, phần lớn xảy ra trong nửa sau của một chu kỳ ngủ bình thường, tập trung trong vài giờ trước khi thức dậy.

Bộ não khi mơ trong giấc ngủ REM

Khi một người ngủ mơ trong giai đoạn REM, hoạt động của não bộ tăng lên một cách đột biến ở các khu vực cụ thể sau:

  • Các vùng thị giác không gian: giúp nhận thức thị giác phức tạp.[2, tr. 273-332][5, 7]
  • Vùng võ não vận động (Motor cortex): giúp thúc đẩy chuyển động.[2, tr. 273-332][8]
  • Vùng hồi hải mã (Hippocampus): hỗ trợ trí nhớ.[2, tr. 273-332][7, 9]
  • Hạch hạnh nhân (Amygdala): tham gia xử lý cảm xúc.[2, tr. 273-332][5, 7]

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng ghi nhận sự ức chế hoạt động của các khu vực thuộc vùng võ não trước trán (Prefrontal cortex), nơi quản lý các suy nghĩ lý trí và đưa ra các quyết định hợp lý, trong suốt trạng thái hoạt động cao của giấc ngủ REM.[2, tr. 273-332][7]Trong giai đoạn này, não bộ cũng sẽ khiến cơ thể chúng ta bị tê liệt tạm thời nhằm tránh việc thực hiện những trải nghiệm khi mơ.

Nao bo khi mo trong giac ngu REM e1698847838487
Dreaming and the brain: from phenomenology to neurophysiology [7]
Vùng màu vàng biểu thị sự gia tăng hoạt động;
Vùng màu xanh biểu thị sự suy giảm hoạt động

Do vậy, giấc ngủ REM có thể được coi là một trạng thái đặc trưng mà ở đó các vùng thị giác, vận động, cảm xúc và ký ức tự truyện của bộ não được kích hoạt mạnh mẽ, nhưng lại có sự gián đoạn hoạt động ở các vùng kiểm soát về suy nghĩ lý trí. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến những trải nghiệm sống động, kỳ lạ thường thấy của giấc mơ.

So 4

Tại sao chúng ta lại mơ? Chức năng của giấc mơ là gì?

Năm 1899, Sigmund Freud (nhà thần kinh học nổi tiếng) đã đề xuất giấc mơ như là sự hoàn thành những nguyện vọng và ước muốn, trong cuốn sách “The Interpretation of Dreams” của ông. Học thuyết này dần trở nên lỗi thời trong những thập kỷ gần đây do sự xuất hiện của những nghiên cứu mới dựa trên sự phát triển của khoa học hiện đại. [1, Ch. 3][2, tr. 273-332][10]

Tuy nhiên, những giải thích của khoa học hiện đại về giấc mơ chủ yếu dựa vào các nghiên cứu về giấc ngủ REM. Điều quan trọng cần nhớ là giấc ngủ REM và giấc mơ không đồng nghĩa với nhau. Giấc mơ không bị giới hạn trong giấc ngủ REM và do đó chức năng của giấc mơ không thể hoàn toàn giống với chức năng của giấc ngủ REM. [1, Ch. 7, pp. 95] [10]

Sau đây là một vài giả thuyết phổ biến về vai trò của giấc ngủ REM và giấc mơ đối với đời sống con người:

Chức năng của giấc mơ
  • A: Giấc ngủ REM kết hợp với giấc mơ có thể giữ vai trò then chốt trong việc điều chỉnh cảm xúc và củng cố các ký ức liên quan đến cảm xúc. Hơn thế nữa, sự kết hợp này cũng góp phần xoa dịu những ký ức cảm xúc đau buồn và hỗ trợ chữa lành vết thương tâm lý theo thời gian.[1, Ch. 7, pp. 97-99] [2, tr. 273-332][13]
  • B: Nhiều nhà khoa học đã đề xuất rằng giấc ngủ REM ( hoặc có thể chính là giấc mơ) tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và củng cố trí nhớ.[1, Ch. 7, pp. 99-100] [10-12]
  • C: Sự kết hợp của giấc ngủ REM và giấc mơ giúp xâu chuỗi, kết nối các thông tin thu thập được theo những cách độc đáo không ngờ, qua đó thúc đẩy cảm hứng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.[2, tr. 273-332][14]
  • D: NEXTUP (Network Exploration To Understand Possibilities) là một mô hình mới về chức năng của giấc mơ. Các nhà khoa học đề xuất rằng giấc mơ là một hình thức độc đáo của quá trình xử lý bộ nhớ phụ thuộc vào giấc ngủ, giúp trích xuất kiến thức mới từ những ký ức hiện có thông qua việc khám phá và củng cố các liên kết yếu chưa được khám phá trước đó.[1, Ch. 8]
So 5

Các loại giấc mơ thường gặp

Bên cạnh những giấc mơ bình thường mỗi ngày với vô vàn những chủ đề và nhân vật khác nhau, đôi khi sẽ xuất hiện những giấc mơ để lại ấn tượng đặc biệt, được các nhà khoa học phân loại như sau:

  • Giấc mơ lặp đi lặp lại (Recurring dreams), đúng như tên gọi, những giấc mơ này có nội dung cụ thể, lặp đi lặp lại từ đêm này qua đêm khác. Loại giấc mơ này thường mang chủ đề tiêu cực, có thể là kết quả của những nhu cầu tâm lý không được thỏa mãn hoặc những xung đột lâu dài chưa được giải quyết.[1, Ch. 10, pp. 161-163][15,16]
  • Ác mộng (Nightmares) là những giấc mơ sống động, có nội dung kỳ quái, gây ra các cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, tuyệt vọng, giận dữ, lo lắng…và có thể khiến một người đột ngột thức giấc.[1, Ch. 10, pp. 163-168][17,18]
  • Giấc mơ tình dục (Sexual dreams) xảy ra khi một người mơ thấy mình đang thực hiện những hoạt động tình dục (quan hệ tình dục, hôn, tưởng tượng, thủ dâm…) với bạn tình hiện tại, người yêu cũ hoặc một người quen.[1, Ch. 10, pp. 168-170] [19]
  • Giấc mơ sáng suốt (Lucid dreams) xảy ra khi một người nhận thức được rằng mình đang mơ nhưng không rời khỏi giấc mơ. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong trường hợp mà một cá nhân có khả năng kiểm soát và điều khiển những trải nghiệm của mình khi mơ.[1, Ch. 14] [2, 20]
  • Giấc mơ tiên tri (Precognitive dreams) là giấc mơ cung cấp cho bạn những thông tin về một vài sự kiện có thể xảy ra trong tương lai.[1, Ch. 15] [21, 22]
So 6

Giấc mơ có ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Ngủ mơ là quá trình sinh học và tâm lý bình thường, hoàn toàn lành mạnh và trong hầu hết các trường hợp, giấc mơ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến giấc ngủ.[2][5]

Tuy nhiên, những cơn ác mộng xảy ra thường xuyên là một ngoại lệ, chúng có thể đánh thức một người khỏi giấc ngủ, khiến giấc ngủ của họ bị gián đoạn. Nghiêm trọng hơn, thường xuyên gặp ác mộng có thể khiến một người đi ngủ với tâm trạng lo lắng bất an, dẫn đến mất ngủ và những vấn đề khác về giấc ngủ.[18, 23]

Ác mộng và giấc ngủ

Hãy cân nhắc tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia và bác sỹ nếu những cơn ác mộng là nỗi ám ảnh của bạn.   

So 7

“Bóng đè” là gì?

“Bóng đè”, còn gọi là chứng tê liệt khi ngủ (Sleep paralysis), đặc trưng bởi hiện tượng mất khả năng cử động cũng như nói chuyện, thường kèm theo những ảo giác về thị giác và cảm giác sợ hãi, cảnh giác.[1, Ch. 13, tr. 217] [2, Ch. 12, tr. 350][24]

Bóng đè

Theo chuyên gia, hầu hết những trường hợp bị “bóng đè” xảy ra sau khi bạn thức dậy từ giấc ngủ REM. Như đã biết, trong giấc ngủ REM, não bộ khiến cơ thể bị tê liệt tạm thời nhằm ngăn cản việc thực hiện những trải nghiệm khi mơ. Thông thường, khi chúng ta tỉnh dậy sau giấc mơ, não bộ sẽ giải phóng cơ thể khỏi tình trạng tê liệt này đúng vào lúc ý thức quay trở lại. 

Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hiếm hoi và vì một vài lý do nào đó, cơ chế này bị trì hoãn, khiến cơ thể bạn vẫn bị tê liệt, ngay cả khi bạn đang thức và mắt đang mở. Tệ hơn nữa, trong thời gian này, não của bạn dường như vẫn muốn tiếp tục mơ và khiến bạn nhìn thấy những ảo giác kỳ lạ.

Đây là hiện tượng khá phổ biến và khoảng ¼ người trưởng thành khỏe mạnh sẽ trải qua cảm giác này vào một thời điểm nào đó trong đời, đặc biệt dễ xuất hiện sau khi bị thiếu ngủ trong nhiều đêm liên tiếp. 

Nếu bạn thường xuyên bị “bóng đè”, hãy cân nhắc việc cải thiện giấc ngủ và đừng ngần ngại tìm kiếm sợ trợ giúp đến từ bác sỹ hoặc chuyên gia vì đây có thể là dấu hiệu của một số loại bệnh lý như: chứng ngủ rũ (Narcolepsy)…

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (REM Sleep Behavior Disorder, sau đây gọi tắt là RBD), ngược với “bóng đè”, xảy ra khi tình trạng tê liệt xuất hiện không đầy đủ hoặc vắng mặt hoàn toàn trong giấc ngủ REM và khiến người mắc có thể thực hiện những trải nghiệm khi mơ như: nói chuyện, la hét, nghiến răng, có những hành động bạo lực như đấm đá…Điều này có thể khiến bản thân họ hoặc những người ngủ cùng bị tổn thương.[1, Ch. 13, tr. 219][25]

Khoảng 1 trong 200 người trưởng thành chịu ảnh hưởng bởi chứng rối loạn này, đặc biệt là nam giới trên 50 tuổi, rất hiếm thấy ở phụ nữ và trẻ em.

Dù có thể kiểm soát phần nào bằng thuốc, nhưng thật không may, hơn 80% người mắc RBD sẽ tiếp tục phát triển thành bệnh Parkinson hoặc các dạng sa sút trí tuệ (Dementia) khác trong khoảng thời gian trung bình là 14 năm tính từ lúc chẩn đoán mắc bệnh.

Chính vì vậy, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường kể trên khi ngủ, người mắc cần nhanh chóng tìm đến sự trợ giúp của bác sỹ hoặc chuyên gia để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

So 8

Làm sao để nhớ lại giấc mơ?

Thật sự khó để nhớ lại giấc mơ một cách trọn vẹn. Trên thực tế, chúng ta quên đi đa số những giấc mơ của mình khi đang chìm trong giấc ngủ. Những giấc mơ mà bạn nhớ được thực tế là do bạn thức dậy đúng vào lúc giấc mơ đang diễn ra.

Theo lý giải của các nhà khoa học, có một vài lý do dẫn đến hiện tượng này:

  • Sự kích hoạt của một chất hóa học có tên là MCH trong giấc ngủ REM góp phần tích cực vào việc quên.[26]
  • Sự suy giảm hoạt động của Norepinephrine, một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến hoạt động ghi nhớ, trong giai đoạn REM của giấc ngủ[27]

Tuy nhiên, nếu cần thiết phải nhớ lại giấc mơ của mình một cách trọn vẹn nhất có thể ngay sau khi thức dậy thì các nhà khoa học cũng đã đề xuất một vài biện pháp như sau: [1, Ch. 11, pp. 187-188][28, 29]

  • Bước 1: Áp dụng các khuyến nghị về vệ sinh giấc ngủ để lên kế hoạch cho một giấc ngủ ngon và trọn vẹn.
  • Bước 2: Ngay trước khi ngủ hãy chuẩn bị tâm lý và nhắc nhở bản thân rằng bạn muốn nhớ lại giấc mơ của mình ngay sau khi thức dậy. Chuẩn bị sẵn các vật dụng có thể dùng để ghi lại giấc mơ (sổ và bút, máy ghi âm…) ngay gần giường ngủ. 
  • Bước 3: Ngay sau khi thức dậy từ một giấc mơ, bất kể vào giữa đêm hay sáng sớm (nếu có báo thức thì hãy tắt đi), dành một vài phút nằm yên trên giường và nhắm mắt lại, nhớ được càng nhiều càng tốt nội dung của giấc mơ vừa xảy ra.
  • Bước 4: Ngay khi sẵn sàng, hãy mở mắt ra và tiến hành ghi lại tất cả những gì bạn nhớ. Tránh đưa ra bất kỳ đánh giá hoặc lập luận nào vào thời điểm này, hãy tập trung thuật lại giấc mơ trước khi nó chìm vào quên lãng.

Ngành khoa học nghiên cứu về những giấc mơ đã từng có thời gian phải đối diện với rất nhiều khó khăn bởi sự quay lưng của các nhà nghiên cứu, sự cạn kiệt của các nguồn kinh phí, đặc biệt là sự phổ biến của quan điểm cho rằng giấc mơ có thể là vô nghĩa vào những năm 1980.[1, Epilogue, pp. 260-270]

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học hiện đại đi kèm với quá trình hoạt động không mệt mỏi của các nhà khoa học tâm huyết, đã sinh ra một làn sóng mới hướng sự quan tâm và thích thú của giới khoa học vào việc nghiên cứu giấc ngủ nói chung và giấc mơ nói riêng, đặc biệt là vào đầu thế kỷ 21.

Ngày nay, nhiều khám phá quan trọng đã khẳng định được vai trò thiết yếu của giấc ngủ đối với đời sống con người và làm sáng tỏ thêm nhiều bí ẩn về giấc mơ.

Đặt niềm tin vào các nhà khoa học, chúng ta hãy trân trọng giấc ngủ của mình, áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ vào cuộc sống, nói “không” với nợ ngủ và tận hưởng một cuộc sống như mơ.

Nguồn tham khảo

+ 29 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] A. Zadra and R. Stickgold, When Brains Dream: Exploring the Science and Mystery of Sleep, Kindle Edition. New York, NY, USA: W. W. Norton & Company, 2021. 

[2] M.Walker, Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017.

[3] Oxford Learner’s Dictionaries. “Dream”. Oxfordlearnersdictionaries.com.          Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/dream_1?q=dream

[4] Perrine M Ruby. 2011. Experimental research on dreaming: state of the art and neuropsychoanalytic perspectives. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22121353/

[5] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Brain Basics: Understanding Sleep”. ninds.nih.gov. Truy cập vào 06/6/2023, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/public-education/brain-basics/brain-basics-understanding-sleep

[6] Amani Meaidi, Poul Jennum, Maurice Ptito, Ron Kupers. 2014. The sensory construction of dreams and nightmare frequency in congenitally blind and late blind individuals. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24709309/

[7] Yuval Nir and Giulio Tononi. 2010. Dreaming and the brain: from phenomenology to neurophysiology. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2814941/

[8] Fabrizio De Carli, MSc, Paola Proserpio, MD, Elisa Morrone, PhD, Ivana Sartori, MD, Michele Ferrara, PhD, Steve Alex Gibbs, MD, PhD, Luigi De Gennaro, PhD, Giorgio Lo Russo, MD, and Lino Nobili, MD, PhD. 2016.                               Activation of the motor cortex during phasic rapid eye movement sleep.                                                      National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5066659/

[9] Goffredina Spanò, Gloria Pizzamiglio, Cornelia McCormick, Ian A Clark, Sara De Felice, Thomas D Miller, Jamie O Edgin, Clive R Rosenthal, and Eleanor A Maguire. 2020. Dreaming with hippocampal damage. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7279885/

[10] M.F. Bear, B.B. Connors, M.A. Paradiso, “Brain Rhythms and Sleep”, NeuroScience Exploring the Brain, Fourth Edition. Philadelphia, USA: W. Wolters Kluwer, 2016, pp. 664-666. 

[11] John Peever, Patrick M Fuller. 2017. The Biology of REM Sleep.                     National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29161567/

[12] Sandra Ackermann, Björn Rasch. 2014. Differential effects of non-REM and REM sleep on memory consolidation?. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24395522/

[13] Serena Scarpelli, Chiara Bartolacci, Aurora D’Atri, Maurizio Gorgoni, and Luigi De Gennaro. 2019. The Functional Role of Dreaming in Emotional Processes. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6428732/

[14] Denise J Cai, Sarnoff A Mednick, Elizabeth M Harrison, Jennifer C Kanady, Sara C Mednick. 2009. REM, not incubation, improves creativity by priming associative networks. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19506253/

[15] Netta Weinstein, Rachel Campbell, Maarten Vansteenkiste. 2018. Linking psychological need experiences to daily and recurring dreams.                                 National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29391655/

[16] Aline Gauchat, Jean R Séguin, Esther McSween-Cadieux, Antonio Zadra. 2015.  The content of recurrent dreams in young adolescents.                                                   National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26366465/

[17] A Zadra, D C Donderi. 2000. Nightmares and bad dreams: their prevalence and relationship to well-being. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10895565/

[18] F.K. Berger. “Nightmares”Medlineplus.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://medlineplus.gov/ency/article/003209.htm

[19] Xu Shao, Chu Wang, Yanli Jia, Wei Wang. 2020. Sexual dream and family relationships in frequent sexual dreamers and healthy volunteers.                           National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32899040/

[20] Denholm J Aspy. 2020. Findings From the International Lucid Dream Induction Study. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32765385/

[21] Paulo Bugalho, Filipa Ladeira, Raquel Barbosa, João Pedro Marto, Cláudia Borbinha, Manuel Salavisa, Laurete da Conceição, Marlene Saraiva, Marco Fernandes, Bruna Meira. 2021. Do dreams tell the future? Dream content as a predictor of cognitive deterioration in Parkinson’s disease. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32776436/

[22] Milan Valášek, Caroline Watt, Jenny Hutton, Rebecca Neill, Rachel Nuttall, Grace Renwick. 2014. Testing the implicit processing hypothesis of precognitive dream experience. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25062119/

[23] Franc Paul, Michael Schredl, Georg W Alpers. 2015. Nightmares affect the experience of sleep quality but not sleep architecture: an ambulatory polysomnographic study. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26401306/

[24] DS. Bùi Sỹ Thành. 10/02/2018. Giải mã bí ẩn hiện tượng bóng đè. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://suckhoedoisong.vn/giai-ma-bi-an-hien-tuong-bong-de-169132077.htm

[25] BS. Trịnh Thanh Hoài. 24/3/2017. Rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://suckhoedoisong.vn/roi-loan-hanh-vi-giac-ngu-rem-169129567.htm

[26] Shuntaro Izawa, Srikanta Chowdhury, Toh Miyazaki, Yasutaka Mukai, Daisuke Ono, Ryo Inoue, Yu Ohmura, Hiroyuki Mizoguchi, Kazuhiro Kimura, Mitsuhiro Yoshioka, Akira Terao, Thomas S. Kilduff and Akihiro Yamanaka. 2019. REM sleep-active MCH neurons are involved in forgetting hippocampus-dependent memories. National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7378274/

[27] Andrea Becchetti, Alida Amadeo. 2016.  Why we forget our dreams: Acetylcholine and norepinephrine in wakefulness and REM sleep.                                                         National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28347366/

[28] Wikihow and Alex Dimitriu. “How to Remember Dreams”Wikihow.com. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.wikihow.com/Remember-Dreams

[29] Denholm J Aspy. 2016.  Is dream recall underestimated by retrospective measures and enhanced by keeping a logbook? An empirical investigation.                                                National Library of Medicine. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27023923/

Chia sẻ bài viết