Ánh sáng có tác động thế nào đến nhịp sinh học và giấc ngủ?

Con người từ lúc sinh ra và lớn lên đã quá quen thuộc với quy luật ngày và đêm của ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng chính là yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến giấc ngủ.[1]Mặc dù vậy, không phải tất cả các loại ánh sáng đều có tác động như nhau.

Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời có thể đạt tới cường độ 100.000 lx (lx là đơn vị đo độ rọi), mạnh hơn rất nhiều so với ánh sáng văn phòng, thường thấp hơn 500 lx.[2]Chính vì vậy, từ rất lâu, con người đã phát triển một “chiếc đồng hồ” bên trong não bộ sử dụng ánh sáng mặt trời là tín hiệu chính và ưu tiên để điều chỉnh lại nhịp sinh học của cơ thể, trong đó có giấc ngủ, theo chu kỳ mọc-lặn của mặt trời. 

Ngày nay, với sự ra đời của ánh sáng nhân tạo và các loại thiết bị điện tử, con người tiếp xúc với một lượng lớn ánh sáng sau khi mặt trời lặn và ngay trước khi ngủ, khiến cho nhịp sinh học và giấc ngủ bị xáo trộn. Cùng tìm hiểu thêm với bài viết sau đây.

So 1

Ánh sáng là gì?

Ánh sáng (Light) là các bức xạ điện từ có mức năng lượng được xác định ở bước sóng và tần số cụ thể. Mắt người chỉ có thể nhìn thấy được một phần nhỏ của quang phổ điện từ, phần này được gọi là vùng ánh sáng nhìn thấy được (Visible light) có bước sóng trong khoảng từ 380 nm (màu tím) đến 700 nm (màu đỏ).[3, 4]

Vùng ánh sáng nhìn thấy được

Ánh sáng xanh lam là gì?

Ánh sáng xanh lam (Blue light), thường được gọi tắt là ánh sáng xanh, là ánh sáng có bước sóng nằm trong khoảng từ 400-490 nm.[5, 6] Trong tất cả các loại ánh sáng khả kiến có ảnh hưởng đến nhịp sinh học, ánh sáng xanh có tác động mạnh mẽ nhất:[7, 8]

Ánh sáng xanh lam ảnh hưởng đến giấc ngủ thế nào

Bạn cũng cần biết rằng, ánh sáng trắng (White light: sự kết hợp tất cả các màu của ánh sáng) từ ánh sáng mặt trời cũng như một số nguồn ánh sáng nhân tạo khác cũng chứa một lượng ánh sáng xanh đáng kể.[9]

So 2

Ánh sáng ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?

Ánh sáng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự sản sinh melatonin và nhịp sinh học, qua đó tác động đến việc điều chỉnh giấc ngủ.

Ảnh hưởng đến sự sản sinh melatonin

Melatonin là một loại hoóc môn giúp tạo động lực cho giấc ngủ và có quá trình sản xuất gắn liền với ánh sáng. Não bộ thúc đẩy quá trình sản xuất melatonin vào ban đêm và kìm hãm quá trình này vào ban ngày.

Melatonin

Như đã đề cập ở trên, việc tiếp xúc với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng xanh, có tác dụng ức chế sự sản sinh melatonin và là một cơ chế quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học cũng như giấc ngủ.

Tác dụng ức chế melatonin đạt hiệu quả nhất khi tiếp xúc với ánh sáng xanh lam có bước sóng trong khoảng từ 446 đến 477 nm và đạt đỉnh tại bước sóng 460 nm.[7]Vào chiều tối, sau khi ngừng tiếp xúc với ánh sáng xanh, nồng độ melatonin có thể phục hồi sau khoảng 15 phút.[13]

Ảnh hưởng đến nhịp sinh học

Anh sang va nhip sinh hoc

Ánh sáng đi vào mắt (thậm chí qua mí mắt nhắm nghiền), kích thích một tín hiệu ở phía sau võng mạc và truyền đến “đồng hồ chủ” (SCN).

Chiếc “đồng hồ sinh học chủ” (SCN) nhạy cảm nhất khi tiếp xúc ánh sáng vào sáng sớm và chiều tối. Chính vì vậy, đối với những người có lịch trình ngủ đều đặn vào ban đêm, ảnh hưởng của ánh sáng đến nhịp sinh học và giấc ngủ sẽ phụ thuộc vào thời điểm tiếp xúc:[1, 2, 12]

Tac dong cua anh sang len nhip sinh hoc

Cụ thể hơn, các nhà khoa học ước tính rằng:[12]

  • Việc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối khoảng 2 giờ trước và sau giờ đi ngủ thông thường có thể làm chậm nhịp sinh học muộn hơn khoảng 2 giờ mỗi ngày.
  • Việc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi sáng khoảng 1 giờ trước và sau giờ thức dậy thông thường có thể làm nhanh nhịp sinh học sớm hơn khoảng 1 giờ mỗi ngày.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong thời gian ngắn có tác động mạnh mẽ hơn đối với sự thay đổi nhịp sinh học so với việc tiếp xúc trong thời gian dài.[14]

Và nhìn chung, các nhà khoa tin rằng việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày ở cường độ cao giúp tăng cường sự tỉnh táo và có lợi cho giấc ngủ về đêm.[2, 12]

So 3

Ánh sáng nhân tạo và các vấn đề về sức khỏe

Ngoài ánh sáng mặt trời vào ban ngày, con người ngày nay cũng tiếp xúc với một lượng lớn ánh sáng nhân tạo. Điều này đặc biệt xảy ra vào chiều tối, sau khi mặt trời lặn, là lúc nhịp sinh học nhạy cảm nhất với sự trễ pha do ánh sáng gây ra và cũng là lúc melatonin được sản sinh.

Anh sang nhan tao va giac ngu

Chính vì vậy, ánh sáng nhân tạo có thể khiến nhịp sinh học bị rối loạn và làm gián đoạn giấc ngủ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng:

  • Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh trước khi ngủ có ảnh hưởng tiêu cực đến độ sâu của giấc ngủ.[15]
  • Cho những người tham gia trẻ, khỏe mạnh tiếp xúc với ánh sáng xanh có cường độ 500 lx trong 30 phút vào một giờ trước khi đi ngủ làm trì hoãn sự khởi đầu của giấc ngủ REM.[16]
  • Việc đọc sách từ máy đọc sách điện tử vào buổi tối làm tăng thời gian bắt đầu giấc ngủ, giảm buồn ngủ, giảm tiết melatonin, giảm sự tỉnh táo vào sáng hôm sau và trì hoãn thời gian của đồng hồ sinh học.[17]
  • Tiếp xúc với ánh sáng trong nhà dù chỉ ở mức độ thấp cũng đủ làm giảm nồng độ melatonin và rút ngắn thời gian sản xuất melatonin ở những đối tượng trẻ, khỏe mạnh.[18]
  • Việc sở hữu và sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, về chất cũng như về lượng.[19, 20]

Về lâu dài, những sai lệch về nhịp sinh học cũng như sự ức chế việc sản sinh melatonin vào chiều tối đã được các nhà khoa học chứng minh là có mối liên kết với nhiều vấn đề về sức khỏe như: rối loạn chuyển hóa, ung thư, trầm cảm…[7, 21-24] Bên cạnh đó, những gián đoạn về giấc ngủ cũng sẽ gây ra nhiều tác hại.

So 4

Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học là gì?

Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (Circadian rhythm sleep disorders) xảy ra khi chu kỳ ngủ-thức của một người hoạt động không bình thường hoặc bị sai lệch với chu kỳ sáng-tối của môi trường sống.[25-27]

Người mắc thường bị mất ngủ và/hoặc buồn ngủ quá mức vào ban ngày, thường tự khỏi khi đồng hồ sinh học được điều chỉnh lại. Một số rối loạn có liên quan đến các kiểu tiếp xúc với ánh sáng là:

  • Jet lag xảy ra khi một người di chuyển nhanh qua các múi giờ dẫn đến sự chênh lệch giữa chu kỳ ngủ-thức của họ và chu kỳ sáng-tối của địa phương.
  • Rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca (Shift work disorder) xảy ra khi người lao động phải làm việc vào buổi tối hoặc qua đêm và thường phải ngủ vào ban ngày.
  • Rối loạn ngủ-thức không theo 24 giờ (Non-24-Hour Sleep-Wake Rhythm Disorder) thường xảy ra khi tín hiệu ánh sáng mà não bộ nhận được từ môi trường xung quanh ở mức rất hạn chế khiến thời gian ngủ và thức bị trễ từ 1-2 giờ mỗi ngày. Đây là một rối loạn thường gặp ở những người bị mù.
So 5

Liệu pháp ánh sáng

Ngày nay, nhờ những nghiên cứu của các nhà khoa học, việc tiếp xúc với ánh sáng đã có thể được sử dụng như một phương pháp trị liệu.

Liệu pháp ánh sáng (Light therapy) sử dụng một hộp đèn (Light box) với cấu tạo đặc biệt có thể tạo ra ánh sáng mạnh gần tương tự như ánh sáng mặt trời. Hàng ngày, theo chỉ định của bác sỹ, bệnh nhân sẽ ngồi gần chiếc hộp với đôi mắt mở hướng về (nhưng không nhìn thẳng) vào nguồn sáng.[2, 25-28]

Lieu phap anh sang

Liệu pháp này thường được sử dụng để:

  • Kết hợp với một số loại thuốc đặc trị trong quá trình điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm, đặc biệt là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder).
  • Triển khai như một liệu pháp bổ trợ cho một số tình trạng bệnh lý tâm thần khác như: chứng chán ăn hoặc cuồng ăn, sa sút trí tuệ…
So 6

Khuyến nghị của chuyên gia

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, dựa trên sự đồng thuận của các nhà khoa học, một danh sách các khuyến nghị về mức độ tiếp xúc với ánh sáng phù hợp với nhịp sinh học và hệ thần kinh của người trưởng thành vào ban ngày, chiều tối và ban đêm đã được đưa ra.[29] 

Các khuyến nghị được thể hiện kèm với đại lượng đo “Melanopic EDI” (Melanopic Equivalent Daylight Illuminance), tạm dịch là: độ rọi tương đương ánh sáng ban ngày. Cụ thể như sau:

Ánh sáng vào ban ngày cho môi trường trong nhà

Tiep xuc anh sang

Nhìn chung, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên tiếp xúc với ánh sáng có cường độ mạnh vào ban ngày, lý tưởng nhất là ánh sáng mặt trời. Trong trường hợp cần sử dụng ánh sáng nhân tạo thì tốt nhất nên dùng ánh sáng trắng đa sắc có phổ giống như ánh sáng ban ngày tự nhiên.

Cụ thể hơn, melanopic EDI tối thiểu được khuyến nghị là 250 lux khi đo tại mắt trong mặt phẳng thẳng đứng ở độ cao xấp xỉ 1,2 m (độ rọi thẳng đứng ngang tầm mắt khi ngồi) ở môi trường trong nhà.

Ánh sáng vào chiều tối cho khu dân cư và môi trường trong nhà

Han che anh sang vao chieu toi

Nhìn chung, chiều tối là khoảng thời gian nhạy cảm đối với nhịp sinh học và sự sản sinh melatonin, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta chỉ nên tiếp xúc với ánh sáng có cường độ yếu vào thời gian này.

Cụ thể hơn, ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ, melanopic EDI tối đa được khuyến nghị là 10 lux khi đo tại mắt trong mặt phẳng thẳng đứng ở độ cao xấp xỉ 1,2 m.

Ánh sáng vào ban đêm khi đi ngủ

Giac ngu ve dem e1703340494864

Nhìn chung, môi trường ngủ được các chuyên gia khuyến nghị là càng tối càng tốt.

Cụ thể hơn, melanopic EDI tối đa được khuyến nghị là 1 lux đo được tại mắt. Trong trường hợp một số hoạt động nhất định vào ban đêm cần có tầm nhìn, melanopic EDI tối đa được khuyến nghị là 10 lux khi đo tại mắt trong mặt phẳng thẳng đứng ở độ cao xấp xỉ 1,2 m.

Những lưu ý bổ sung

Sau đây là một số lưu ý bổ sung của các chuyên gia:[8, 30]

  • Ánh sáng có màu vàng, cam và đỏ ít có ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và giấc ngủ nên bạn có thể sử dụng các màu ánh sáng này ở cường độ yếu vào đêm khuya.
  • Nếu cần sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ thì bạn nên giảm tối đa độ sáng màn hình và sử dụng “chế độ ban đêm” nếu có.
  • Sử dụng mặt nạ che mắt, mắt kính hoặc kính áp tròng có khả năng ngăn chặn ánh sáng xanh trước và trong thời gian đi ngủ cũng có thể là một giải pháp. 
  • Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ quá sớm vào chiều tối, bạn có thể đi vào khu vực có nhiều ánh sáng để cảm thấy tỉnh táo hơn.
  • “Tắm” mình trong ánh sáng sau khi thức dậy giúp bạn bắt đầu ngày mới tươi tỉnh và sảng khoái hơn.

Những khuyến nghị trên nên được áp dụng đều đặn mỗi ngày vì chúng mang lại rất nhiều lợi ích cho giấc ngủ, khả năng nhận thức và sức khỏe. Tuy nhiên, chúng mang tính tổng quát và do vậy có thể không phù hợp đối với một số nhóm người trong một số hoàn cảnh nhất định:

  • Mức độ của các phản ứng sinh học và thần kinh đối với ánh sáng là cao hơn ở trẻ nhỏ và thấp hơn ở người lớn tuổi. Chính vì vậy, hãy tham vấn ý kiến chuyên gia khi áp dụng.
  • Những khuyến nghị về việc tiếp xúc với ánh sáng dành cho những người làm việc theo ca vẫn chưa hoàn thiện và cần thêm nhiều nghiên cứu.

Ánh sáng không chỉ cho phép chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới xung quanh mà còn có tác động lớn đối với nhịp sinh học và giấc ngủ. Tiếp xúc ánh sáng không đúng lúc có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và giấc ngủ, gây ra những vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với ánh sáng cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ cho các bệnh lý tâm thần và các bệnh lý khác.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những tác động to lớn của ánh sáng đối với giấc ngủ, từ đó có thể vận dụng linh hoạt những khuyến nghị của chuyên gia cũng như kết hợp với các nguyên tắc về vệ sinh giấc ngủ để có được giấc ngủ chất lượng hơn, hướng tới cuộc sống tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, tình trạng giấc ngủ và sức khỏe là khác nhau giữa mỗi người. Đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia hoặc bác sỹ nếu bạn nhận thấy những vấn đề về giấc ngủ và sức khỏe của mình ngày một xấu đi.

Nguồn tham khảo

+ 30 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Brain Basics: Understanding Sleep”. ninds.nih.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/public-education/brain-basics/brain-basics-understanding-sleep

[2] Christine Blume, Corrado Garbazza and Manuel Spitschan. 20/8/2019.             Effects of light on human circadian rhythms, sleep and mood.                                      National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6751071/

[3] Centers for Disease Control and Prevention. “What is Radiation? The Electromagnetic Spectrum”. Cdc.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.cdc.gov/nceh/radiation/spectrum.html

[4] NASA Science. “Visible Light”. Science.nasa.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://science.nasa.gov/ems/09_visiblelight#:~:text=All%20electromagnetic%20radiation%20is%20light,narrow%20band%20of%20the%20spectrum.

[5] Gianluca Tosini, Ian Ferguson and Kazuo Tsubota. 24/1/2016. Effects of blue light on the circadian system and eye physiology. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4734149/

[6] Bs. Trần Ánh Dương. 26/12/2019. Những tác động có lợi và có hại của ánh sáng xanh. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://suckhoedoisong.vn/nhung-tac-dong-co-loi-va-co-hai-cua-anh-sang-xanh-169167196.htm

[7] Siegfried Wahl, Moritz Engelhardt, Patrick Schaupp, Christian Lappe and Iliya V. Ivanov. 24/1/2016. The inner clock—Blue light sets the human rhythm. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7065627/#jbio201900102-bib-0063

[8] Centers for Disease Control and Prevention. “The Color of the Light Affects the Circadian Rhythms”. Cdc.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/emres/longhourstraining/color.html

[9] Victoria L Revell, Debra J Skene. 2007. Light-induced melatonin suppression in humans with polychromatic and monochromatic light. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18075803/

[10] Jahnna G Coats, Briana Maktabi, Mariam S Abou-Dahech, Gabriella Baki. 28/11/2020. Blue Light Protection, Part I-Effects of blue light on the skin. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33247615/

[11] Mirjam Münch, Friedrich Linhart, Apiparn Borisuit, Susanne M Jaeggi, Jean-Louis Scartezzini. 26/12/2011. Effects of prior light exposure on early evening performance, subjective sleepiness, and hormonal secretion. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22201280/

[12] Centers for Disease Control and Prevention. “Effects of Light on Circadian Rhythms”. Cdc.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/work-hour-training-for-nurses/longhours/mod2/19.html

[13] Leena Tähkämö, Timo Partonen, Anu-Katriina Pesonen. 12/10/2018. Systematic review of light exposure impact on human circadian rhythm. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30311830/

[14] Anne-Marie Chang, Nayantara Santhi, Melissa St Hilaire, Claude Gronfier, Dayna S Bradstreet, Jeanne F Duffy, Steven W Lockley, Richard E Kronauer, Charles A Czeisler. 23/4/2012. Human responses to bright light of different durations. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22526883/

[15] Mirjam Münch, Szymon Kobialka, Roland Steiner, Peter Oelhafen, Anna Wirz-Justice, Christian Cajochen. 26/01/2006. Wavelength-dependent effects of evening light exposure on sleep architecture and sleep EEG power density in men.            National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16439671/

[16] Amely Wahnschaffe, Sven Haedel, Andrea Rodenbeck, Claudia Stoll, Horst Rudolph, Ruslan Kozakov, Heinz Schoepp and Dieter Kunz. 28/01/2013. Out of the Lab and into the Bathroom: Evening Short-Term Exposure to Conventional Light Suppresses Melatonin and Increases Alertness Perception.                                          National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3588003/

[17] Anne-Marie Chang, Daniel Aeschbach, Jeanne F. Duffy and Charles A. Czeisler. 27/01/2015. Evening use of light-emitting eReaders negatively affects sleep, circadian timing, and next-morning alertness.                                                         National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4313820/

[18] Joshua J. Gooley, Kyle Chamberlain, Kurt A. Smith, Sat Bir S. Khalsa, Shantha M. W. Rajaratnam, Eliza Van Reen, Jamie M. Zeitzer, Charles A. Czeisler, and Steven W. Lockley. 30/12/2010. Exposure to Room Light before Bedtime Suppresses Melatonin Onset and Shortens Melatonin Duration in Humans.                                                         National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3047226/

[19] Angélick Schweizer, André Berchtold, Yara Barrense-Dias, Christina Akre, Joan-Carles Suris. 01/2017. Adolescents with a smartphone sleep less than their peers. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27981353/

[20] Matthew A. Christensen, Laura Bettencourt, Leanne Kaye, Sai T. Moturu, Kaylin T. Nguyen, Jeffrey E. Olgin, Mark J. Pletcher and Gregory M. Marcus. 09/11/2016. Direct Measurements of Smartphone Screen-Time: Relationships with Demographics and Sleep. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5102460/

[21] Aarti Jagannath, Lewis Taylor, Zeinab Wakaf, Sridhar R Vasudevan and Russell G Foster. 14/7/2017. The genetics of circadian rhythms, sleep and health. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5886477/

[22] Russel J Reiter, Dun-Xian Tan, Ahmet Korkmaz, Shuran Ma. 13/6/2011. Obesity and metabolic syndrome: association with chronodisruption, sleep deprivation, and melatonin suppression. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21668294/

[23] M A Quera Salva, S Hartley, F Barbot, J C Alvarez, F Lofaso, C Guilleminault. 2011. Circadian rhythms, melatonin and depression. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21476953/

[24] Scott Davis, Dana K Mirick. 05/2006. Circadian disruption, shift work and the risk of cancer: a summary of the evidence and studies in Seattle. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16596308/

[25] Richard J. Schwab. 05/2022. Circadian Rhythm Sleep Disorders.                          MSD Manual – Professional Version. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/sleep-and-wakefulness-disorders/circadian-rhythm-sleep-disorders?query=circadian%20rhythm%20sleep%20disorders

[26] American Academy of Sleep Medicine. “Circadian Rhythm Sleep Disorders”. Aasm.org. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://aasm.org/resources/factsheets/crsd.pdf

[27] National Heart, Lung, and Blood Institute. “Circadian Rhythm Sleep Disorders”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.nhlbi.nih.gov/health/circadian-rhythm-disorders

[28] Medline Plus. “Seasonal affective disorder”. medlineplus.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://medlineplus.gov/ency/article/001532.htm

[29] Timothy M. Brown, George C. Brainard, Christian Cajochen, Charles A. Czeisler, John P. Hanifin, Steven W. Lockley, Robert J. Lucas, Mirjam Münch,  John B. O’Hagan, Stuart N. Peirson, Luke L. A. Price, Till Roenneberg, Luc J. M. Schlangen, Debra J. Skene, Manuel Spitschan, Céline Vetter, Phyllis C. Zee and Kenneth P. Wright, Jr. 03/2022. Recommendations for daytime, evening, and nighttime indoor light exposure to best support physiology, sleep, and wakefulness in healthy adults. National Library of Medicine. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8929548/

[30] Centers for Disease Control and Prevention. “Effects of Light on Circadian Rhythms”. Cdc.gov. Truy cập vào 14/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/emres/longhourstraining/light.html

Chia sẻ bài viết