Ngủ ngáy và những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có liên quan

Ngủ ngáy (Snoring) thường được coi là một hiện tượng bình thường, xuất hiện khá phổ biến khi ngủ và thậm chí đôi khi còn được tường thuật lại như một câu truyện cười. Tuy nhiên, ngủ ngáy to và thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của một cá nhân và những người xung quanh mà còn có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ – một loại rối loạn giấc ngủ nguy hiểm.

Cùng tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích về hiện tượng này, những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả và khi nào bạn nên xin ý kiến tư vấn từ chuyên gia hoặc bác sỹ.

So 1

Nguyên nhân gây ngủ ngáy là gì?

Khi một người đi vào giấc ngủ, các mô mềm ở vòm họng (đặc biệt là vòm khẩu cái mềm) trở nên thư giãn và sẽ thu hẹp một phần đường thở. Sự chuyển động của luồng không khí khi hô hấp khiến các mô ở khu vực này rung lên hoặc đập mạnh, phát ra những âm thanh đặc trưng khi ngáy. Tình trạng này khá phổ biến, xảy ra ở khoảng 57% nam giới và 40% nữ giới; tỷ lệ mắc tăng theo tuổi tác.[1-5] 

Ngay ngu

Bất kỳ yếu tố nào khiến các mô ở vòm họng bị thư giãn quá mức hoặc gây cản trở và thu hẹp đường thở đều làm gia tăng nguy cơ ngáy, có thể kể đến như:[1-5]

  • Thừa cân, béo phì. Các mô thừa ở cổ sẽ gây áp lực lên đường thở của bạn.
  • Vách ngăn mũi bị vẹo hoặc cong, nghẹt mũi do cảm lạnh hoặc dị ứng, Polyp mũi.
  • Sưng vòm miệng mềm, amidan hoặc lưỡi gà.
  • Tiêu thụ rượu, bia.
  • Sử dụng thuốc an thần.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Lưỡi lớn hơn bình thường, cằm nhỏ, cằm lẹm…

Dấu hiệu nhận biết ngủ ngáy

Ngoài tiếng ồn đặc trưng phát ra thì một vài dấu hiệu khác cũng có thể xuất hiện tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và hậu quả của chứng ngáy:

  • Thường xuyên thức giấc.
  • Thở hổn hển, nghẹt thở, thở bằng miệng khi ngủ.
  • Buồn ngủ vào ban ngày.
  • Nhức đầu vào buổi sáng.
  • Khô họng, đau họng.

Những dấu hiệu này cũng sẽ phần nào giúp bạn nhận biết được mình có ngủ ngáy hay không trong trường hợp bạn ngủ một mình.

So 2

Ngủ ngáy có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia, có ba cấp độ ngủ ngáy với mức độ nguy hiểm tăng dần:[1,6]

  • Cấp độ 1: ngáy ít, thỉnh thoảng mới ngáy, tiếng ngáy thường không to. Khi thay đổi tư thế ngủ bằng cách nghiêng sang trái hoặc sang phải thì sẽ ngừng ngáy. Ngáy ở cấp độ này thường không cần xét nghiệm hoặc điều trị y tế. Tác động chính của nó là đối với bạn cùng giường hoặc bạn cùng phòng, những người có thể bị làm phiền bởi tiếng ồn.
  • Cấp độ 2: ngáy ở mức độ vừa phải, tiếng ngáy to hơn nhưng khi nằm ở tư thế nghiêng thì hết. Vì tần suất cao hơn nên gây khó chịu nhiều hơn. Tuy nhiên, đây thường không được coi là mối lo ngại về sức khỏe trừ khi có dấu hiệu gián đoạn giấc ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ, trong trường hợp đó có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
  • Cấp độ 3: nằm ngủ bất kỳ tư thế nào đều phát ra tiếng ngáy. Tiếng ngáy rất to và đôi khi còn đi kèm với các triệu chứng nghẹt thở nhất thời, khiến người bệnh tỉnh giấc và cảm thấy mệt mỏi. Một số trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ngừng thở và gây tử vong.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea: OSA) là tình trạng đường thở bị tắc nghẽn và khiến một người thường xuyên ngừng thở trong thời gian ngắn khi ngủ. Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ nguy hiểm với dấu hiệu đặc trưng là ngáy to, thường xuyên và phát ra âm thanh như thể một người đang bị ngạt thở, khịt mũi hoặc thở hổn hển.[4-7]

Ngung tho khi ngu

Hội chứng có tác động rất tiêu cực đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể của một người. OSA có liên quan đến tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày và các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác bao gồm: các vấn đề về tim mạch, béo phì, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm…

Những vấn đề sức khỏe khác có liên quan

Không phải tất cả những người ngáy đều mắc OSA. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không gặp phải những cơn ngừng thở thì ngáy vẫn có thể là một vấn đề đối với bạn cũng như những người xung quanh:[4]

  • Nghiên cứu cho thấy, một người càng ngáy nhiều khi ngủ thì họ càng cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi khi thức. 
  • Tiếng ngáy cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của những người xung quanh và làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa bạn và họ.
  • Ngoài ra, ngủ ngáy cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim:
  • Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ ngáy thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn gấp đôi so với những người không ngáy, ngay cả khi họ không thừa cân (một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường). 
  • Các nghiên cứu khác cho thấy, ngáy thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, suy tim và đột quỵ.

Ngủ ngáy ở phụ nữ mang thai

Khoảng một phần ba phụ nữ mang thai bắt đầu ngáy lần đầu tiên trong 3 tháng giữa thai kỳ.[4] Tăng cân và nghẹt mũi khiến họ bắt đầu ngủ ngáy.[9]

Ngủ ngáy khi mang thai

Đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ khi thai nhi ngày càng lớn, hội chứng ngừng thở khi ngủ và ngủ ngáy thường phát triển trầm trọng hơn, làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường…Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn có tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển của em bé.[8, 9]

Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Michigan (Hoa Kỳ) cho thấy, khoảng 70% thai phụ ngủ ngáy có nguy cơ sinh con nhỏ hơn so với những người ngủ không ngáy do thai nhi có nhiều khả năng bị thiếu ôxy.[10]

Chính vì vậy, các bà mẹ đang mang thai cần tham vấn ngay ý kiến của bác sỹ khi phát hiện những bất thường khi ngủ bao gồm cả ngủ ngáy. Trong hầu hết các trường hợp, chứng ngáy và huyết áp cao liên quan sẽ biến mất ngay sau khi sinh.[4]

Ngủ ngáy ở trẻ em

Ngủ ngáy cũng có thể là một vấn đề ở trẻ em. Khoảng 10-15% trẻ thường xuyên ngáy và 2% bị ngưng thở khi ngủ.[4, 11] Có một vài nguyên nhân gây ra tình trạng này, có thể kể đến như:[11, 12]

  • Bị dị ứng với: thuốc, phấn hoa, thực phẩm…
  • Hít phải khói, bụi hoặc nuốt phải dị vật.
  • Bị thừa cân, béo phì.
  • Mắc phải các bệnh về đường hô hấp như: viêm xoang, viêm amidan, nghẹt mũi mạn tính…
Ngủ ngáy ở trẻ em

Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ có tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ:[4, 12]

  • Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ ngủ ngáy (có hoặc không có chứng ngừng thở khi ngủ) có chỉ số thông minh (IQ) thấp hơn, khó tập trung hơn và thường bị hiếu động quá mức.
  • Những đứa trẻ này cũng dễ bị biến dạng khuôn mặt so với ban đầu.
  • Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù hành vi của trẻ được cải thiện sau khi chúng ngừng ngáy, nhưng những ảnh hưởng lâu dài lên não có liên quan đến chứng ngáy vẫn có thể khiến trẻ khó đạt được kết quả học tập như mong muốn.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt nếu thường xuyên thấy trẻ ngáy to và có những cơn ngừng thở ngắn khi ngủ.

So 3

Làm sao để hạn chế ngáy khi ngủ?

Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng ngáy, một số thay đổi về thói quen và lối sống tại nhà sau đây có thể giúp ích:[1, 4, 5]

  • Ngủ ở tư thế nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Bạn có thể khâu một quả bóng gôn hoặc bóng tennis vào phía sau áo ngủ của mình. Nếu bạn lăn lộn, áp lực của quả bóng sẽ giúp nhắc nhở bạn cần nằm nghiêng. Theo thời gian, việc ngủ nghiêng sẽ trở thành thói quen.
  • Kê cao gối, nâng cao đầu khi ngủ.
  • Tránh ăn quá no ngay trước giờ ngủ.
  • Không hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu, bia.
  • Kiểm soát cân nặng, hạn chế thừa cân, béo phì.
  • Hạn chế sử dụng thuốc an thần trước khi ngủ.
  • Điều trị và loại bỏ các nguyên nhân gây nghẹt mũi.
  • Thực hành một số bài tập lưỡi hoặc thử sử dụng miếng dán thông mũi, giúp giảm ngáy.

Đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia và bác sỹ khi ngáy ngủ khiến bạn gặp phải những vấn đề sau:

  • Có vấn đề về sự chú ý, tập trung hoặc trí nhớ.
  • Không cảm thấy sảng khoái khi thức dậy.
  • Cảm thấy rất buồn ngủ vào ban ngày.
  • Bị đau đầu vào buổi sáng.
  • Tăng cân.
  • Đã thử áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên nhưng không hiệu quả.

Nguồn tham khảo

+ 12 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] SKĐS. 10/01/2024. Nguyên nhân gây ngủ ngáy bạn đã biết chưa?. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-ngu-ngay-ban-da-biet-chua-169240110074910716.htm

[2] MedlinePlus. 7/8/2023. Snoring. National Library of Medicine. Truy cập vào 26/2/2024, từ https://medlineplus.gov/snoring.html

[3] Richard J. Schwab. 05/2022. Snoring. MSD Manual – Profesional Version. Truy cập vào 26/2/2024, từ https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/sleep-and-wakefulness-disorders/snoring

[4] National Heart, Lung, and Blood Institute (U.S. Department of Health and Human Services – National Institutes of Health), Your Guide to Healthy Sleep. USA: NIH Publication No. 11-5271, 2011.

[5] MedlinePlus. 7/8/2023. Snoring – adults. National Library of Medicine. Truy cập vào 26/2/2024, từ https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000720.htm

[6] BS Hà Thanh. 16/3/2023. Ngủ ngáy và Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/ngu-ngay-va-hoi-chung-ngung-tho-tac-nghen-khi-ngu-169230315103641335.htm

[7] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Sleep Apnea”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/sleep-apnea

[8] Thu Phương. 22/4/2023. Nguy cơ của hội chứng ngừng thở khi ngủ ở phụ nữ mang thai. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-cua-hoi-chung-ngung-tho-khi-ngu-o-phu-nu-mang-thai-169230419113046429.htm

[9] Bảo Châu. 28/9/2021. Mất ngủ kéo dài khi mang thai có thể là dấu hiệu bệnh lý. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/mat-ngu-keo-dai-khi-mang-thai-co-the-la-dau-hieu-benh-ly-169210927121100987.htm

[10] Minh Trang. 28/9/2021. Bà mẹ mang thai ngủ ngáy sẽ sinh con nhẹ cân. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/ba-me-mang-thai-ngu-ngay-se-sinh-con-nhe-can-16968420.htm

[11] BS. Cẩm Tú. 26/10/2016. Nguyên nhân gây ngáy và ngưng thở khi ngủ ở trẻ. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-ngay-va-ngung-tho-khi-ngu-o-tre-169110500.htm

[12] BS. Nguyễn Quang Lập. 21/9/2018. Trẻ ngủ ngáy có nguy hiểm?. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 26/02/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/tre-ngu-ngay-co-nguy-hiem-16938750.htm

Chia sẻ bài viết