Mất ngủ và những thông tin mà bạn cần biết

So 1

Mất ngủ là gì?

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng khó ngủ và/hoặc không thể duy trì giấc ngủ mặc dù người bệnh có nhiều thời gian và điều kiện thuận lợi để ngủ. Chất lượng giấc ngủ suy giảm khiến họ thường bị thiếu ngủ và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Điều này có thể gây ra nhiều tác hại.[1-6]

So 2

Triệu chứng

Triệu chứng mất ngủ

Những triệu chứng phổ biến khi bạn bị mất ngủ bao gồm:[1, 2, 5]

  • Nằm thao thức một lúc lâu trước khi chìm vào giấc ngủ. Phổ biến ở những người trưởng thành trẻ tuổi.
  • Chỉ có thể duy trì giấc ngủ trong một thời gian ngắn, thường xuyên thức giấc hoặc thức gần như suốt đêm. Đây là triệu chứng phổ biến nhất và chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi.
  • Thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được.
  • Chất lượng giấc ngủ kém khiến bạn có cảm giác mệt mỏi, uể oải, khó tập trung và buồn ngủ.  Mất ngủ cũng có thể khiến bạn bị trầm cảm, lo lắng và dễ cáu gắt.
So 3

Phân loại

Gồm hai loại:[1, 2, 5]

  • Mất ngủ ngắn hạn/ cấp tính (Short-term/ Acute insomnia): những triệu chứng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, nguyên nhân chủ yếu thường đến từ những áp lực, biến cố trong công việc và cuộc sống.
  • Mất ngủ mạn tính (Long-term/ Chronic insomnia): các triệu chứng xuất hiện ít nhất 3 lần mỗi tuần và kéo dài tối thiểu 3 tháng. Hầu hết các trường hợp mất ngủ mạn tính đều là thứ phát, nghĩa là triệu chứng hoặc là tác dụng phụ của một số vấn đề khác, chẳng hạn như một số tình trạng bệnh lý, thuốc men và các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Caffeine, thuốc lá và đồ uống có cồn cũng có thể là nguyên nhân.
So 4

Ai có nguy cơ bị mất ngủ?

Nguyên nhân gây mất ngủ

Các nhà nghiên cứu đã xác định được những yếu tố khiến một người có nguy cơ mắc chứng mất ngủ cao hơn. Chúng bao gồm, nhưng không giới hạn ở:[1, 2, 3, 5]

  • Tuổi tác: Bạn có thể bị mất ngủ ở mọi lứa tuổi nhưng khả năng mắc bệnh sẽ tăng lên khi bạn già đi.
  • Giới tính: Mất ngủ phổ biến hơn ở nữ giới so với nam giới. Những sự thay đổi về hormone trong thời kỳ mang thai và mãn kinh có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ.
  • Di truyền: Chứng mất ngủ đôi khi được di truyền giữa những người trong gia đình. Gen của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến việc bạn là người có giấc ngủ sâu hay không.
  • Các yếu tố vệ sinh giấc ngủ không được đảm bảo.
  • Lịch trình làm việc thất thường.
  • Di chuyển nhanh qua nhiều múi giờ.
  • Những căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống.
So 5

Điều trị mất ngủ

Việc phòng ngừa và điều trị chứng mất ngủ thường được bắt đầu bằng những khuyến nghị giúp cải thiện các vấn đề về vệ sinh giấc ngủ. Sau đó, tùy thuộc vào tình trạng và tiến triển của bệnh mà bác sỹ sẽ bổ sung thêm các biện pháp điều trị đặc hiệu như:[1, 2, 3, 5]

Liệu pháp nhận thức hành vi cho chứng mất ngủ (Cognitive behavioral therapy for insomnia: CBT-I)

Đây là kế hoạch điều trị kéo dài từ 6 đến 8 tuần để giúp người bệnh học cách chìm vào giấc ngủ nhanh hơn và kéo dài giấc ngủ được lâu hơn. Các chuyên gia coi đây là phương pháp điều trị ban đầu hiệu quả nhất cho chứng mất ngủ mạn tính. CBT-I có thể được thực hiện bởi bác sĩ, y tá hoặc nhà trị liệu; bạn có thể làm điều đó trực tiếp, qua điện thoại hoặc trực tuyến. Bao gồm các phần sau:

  • Liệu pháp nhận thức (Cognitive therapy): giúp bạn bớt lo lắng về việc không thể ngủ được.
  • Liệu pháp thư giãn hoặc thiền định (Relaxation or meditation therapy): hướng dẫn bạn cách thư giãn và chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
  • Giáo dục giấc ngủ (Sleep education): giúp bạn học thói quen ngủ tốt.
  • Liệu pháp hạn chế giấc ngủ (Sleep restriction therapy): thời gian ngủ trung bình của bạn trong suốt một tuần  sẽ được tính toán, sau đó, thời gian nằm trên giường hàng đêm của bạn sẽ được giới hạn ở mức này ngay cả khi bạn không thể ngủ. Theo thời gian, thời gian ngủ của bạn có thể tăng lên cho đến khi bạn có được giấc ngủ đêm bình thường và ngon hơn.
  • Liệu pháp kiểm soát kích thích (Stimulus control therapy): giúp bạn có thể liên kết việc nằm trên giường với việc ngủ: chỉ đi ngủ khi bạn buồn ngủ, ra khỏi giường nếu bạn không thể ngủ được và chỉ sử dụng giường để ngủ hoặc làm tình.

Kê đơn thuốc

Trong trường hợp áp dụng CBT-I thất bại hoặc bệnh nhân không tham gia được CBT-I, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giúp điều trị mất ngủ:

  • Thuốc theo toa (Prescription medicines): Một số loại thuốc theo toa được sử dụng trong thời gian ngắn trong khi những loại thuốc khác được dùng sử dụng trong thời gian dài hơn. Trao đổi với bác sĩ của bạn về lợi ích và tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, một số loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ.
  • Thuốc không kê đơn và thuốc bổ sung: Bạn nên tham vấn ý kiến bác sỹ nếu muốn sử dụng những loại thuốc này.

Liệu pháp ánh sáng

Bác sỹ cũng có thể khuyên bạn nên sử dụng liệu pháp ánh sáng để thiết lập và duy trì chu kỳ ngủ-thức của mình. Với phương pháp điều trị này, bạn sẽ sắp xếp thời gian mỗi ngày để ngồi trước một hộp đèn nhân tạo, nơi tạo ra ánh sáng rực rỡ tương tự như ánh sáng mặt trời.[5]

Bạn cũng cần biết rằng, việc điều trị chứng mất ngủ cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người và bất kỳ yếu tố cụ thể nào góp phần khiến họ mất ngủ. Nếu chứng mất ngủ có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ hoặc trầm cảm, thì việc điều trị các vấn đề đó thường giúp cải thiện giấc ngủ.

So 6

Mất ngủ nghịch lý

Mất ngủ nghịch lý (Paradoxical insomnia) là tình trạng nhận thức sai trạng thái giấc ngủ. Tình trạng này khiến một người cảm thấy họ không thể có được một giấc ngủ ngon, mặc dù bản thân họ đã trải qua một giấc ngủ trọn vẹn và lành mạnh khi được theo dõi bởi các chuyên gia.[4]

Người bệnh thường được áp dụng các biện pháp điều trị tương tự khi mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật (Illness anxiety disorder), hay còn được gọi là rối loạn nghi bệnh (Hypochondriacal disorder). Các liệu pháp nhận thức hành vi nêu trên cũng có thể được áp dụng.

Nhìn chung, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học để làm sáng tỏ thêm những nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như các phương pháp điều trị tiềm năng.[7]

So 7

Mất ngủ di truyền gây chết người

Cái chết là không thể tránh khỏi với những ai không may mắc phải chứng bệnh mất ngủ di truyền gây chết người (Fatal Familial Insomnia: FFI). Sau nhiều tháng không thể ngủ, người bệnh bị suy giảm nhận thức kèm theo những rối loạn về hành vi, tâm trạng, chức năng vận động và kết thúc bằng cái chết. [4, 8-10]

Mất ngủ di truyền gây chết người

Bệnh thường tiến triển qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng mất ngủ ngày càng trầm trọng hơn. Toàn bộ quá trình từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi tử vong kéo dài trung bình khoảng 18 tháng,[10] mặc dù ở một số người, nó có thể kéo dài ít nhất là 7 tháng hoặc lâu nhất là 73 tháng.[8]

Căn bệnh cực kỳ hiếm gặp này có tính di truyền và hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả nào.

Việc xây dựng, áp dụng và duy trì những khuyến nghị về vệ sinh giấc ngủ là rất cần thiết trong việc phòng ngừa cũng như ngăn ngừa chứng mất ngủ quay trở lại sau khi điều trị.

Hãy trân trọng giấc ngủ và đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp đến từ các bác sỹ hoặc chuyên gia, nếu bạn nhận thấy những vấn đề về giấc ngủ đang khiến cho sức khỏe và cuộc sống của mình ngày một xấu đi.

Nguồn tham khảo

+ 10 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] BS.Trần Thị Bích Liên. 07/5/2023. Mất ngủ: Nguyên nhân, phân loại và các phương pháp điều trị.Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/mat-ngu-nguyen-nhan-phan-loai-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-169230506154120873.htm#:~:text=Mất%20ngủ%20là%20một%20rối,nhất%20ba%20lần%20mỗi%20tuần

[2] MedlinePlus. “Insomnia”. Medlineplus.gov. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://medlineplus.gov/insomnia.html

[3] National Heart, Lung, and Blood Institute (U.S. Department of Health and Human Services – National Institutes of Health), Your Guide to Healthy Sleep. USA: NIH Publication No. 11-5271, 2011.

[4] M.Walker, “Những thứ phá hoại vào ban đêm”, trong Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017, tr. 335-373.

[5] National Heart, Lung, and Blood Institute. “Insomnia”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 02/4/2024, từhttps://www.nhlbi.nih.gov/health/insomnia

[6] American Psychiatric Association. “What are Sleep Disorders?”. psychiatry.org. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://www.psychiatry.org/patients-families/sleep-disorders/what-are-sleep-disorders#:~:text=Sleep%20disorders%20(or%20sleep%2Dwake,%2C%20anxiety%2C%20or%20cognitive%20disorders.

[7] Leeba Rezaie, Aaron D Fobian, William Vaughn McCall, Habibolah Khazaie. 06/01/2018. Paradoxical insomnia and subjective-objective sleep discrepancy: A review. National Library of Medicine. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6292246/

[8] Brian Appleby. 11/2022. Fatal insomnia. Merck Manual Professional Version. Truy cập vào 14/5/2023, từ https://www.merckmanuals.com/professional/neurologic-disorders/prion-diseases/fatal-insomnia

[9] Minh Ngọc. 27/6/2010. Chứng bệnh mất ngủ gây chết người. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/chung-benh-mat-ngu-gay-chet-nguoi-16934727.htm

[10] Zalan Khan, Pradeep C. Bollu. 01/2023. Fatal familial insomnia. In StatPearls. StatPearls Publishing. Truy cập vào 02/4/2024, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29489284/

Chia sẻ bài viết