Hội chứng chân không nghỉ và những thông tin bạn cần biết

So 1

Hội chứng chân không nghỉ là gì?

Hội chứng chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome: RLS), còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một chứng rối loạn thần kinh gây ra những cảm giác khó chịu ở chân, đặc biệt là ở bắp chân, thôi thúc cảm giác muốn cử động chân không thể cưỡng lại được.[1-5]

Tình trạng này thường xảy ra vào chiều tối, dữ dội nhất vào ban đêm khi người bệnh đang nghỉ ngơi và sẽ thuyên giảm chỉ khi chân được di chuyển hoặc xoa bóp, điều này khiến họ khó ngủ và/hoặc khó duy trì giấc ngủ. Chính vì vậy, RLS cũng là một chứng rối loạn giấc ngủ và khiến cho người bệnh có thể gánh chịu nhiều tác hại do bị thiếu ngủ.

So 2

Triệu chứng

Nếu mắc RLS, người bệnh sẽ phải trải qua những cảm giác rất khó chịu, không giống như bình thường ở chân như: đau nhức, nhói, ngứa, bị kéo, bò hoặc trườn… đi kèm với cảm giác muốn di chuyển chân. Cảm giác có thể xảy ra chỉ ở một bên chân nhưng chúng thường ảnh hưởng đến cả hai bên. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng một số người cũng có thể trải qua những cảm giác này ở cánh tay, ngực hoặc đầu.[1-5]

Triệu chứng của RLS

Các đặc điểm chung của RLS gồm:

  • Cảm giác bắt đầu xuất hiện khi nghỉ ngơi: chúng thường xảy ra khi bạn không hoạt động trong thời gian dài (ví dụ: khi đi máy bay, xem phim, ngủ…).
  • Giảm bớt sự khó chịu khi cử động: bạn cần giữ cho chân (hoặc các bộ phận bị ảnh hưởng khác của cơ thể) luôn chuyển động để giảm thiểu hoặc ngăn ngừa cảm giác. 
  • Các triệu chứng trầm trọng hơn vào ban đêm và giảm rõ rệt vào sáng sớm. Giấc ngủ càng bị ảnh hưởng thì các triệu chứng càng trở nên tồi tệ hơn.

Mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện các triệu chứng có thể thay đổi theo từng ngày, tùy theo từng người. Ở mức độ vừa phải, các triệu chứng có thể chỉ xảy ra một hoặc hai lần một tuần. Trong trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng thường xảy ra hơn hai lần một tuần.

Thường trong giai đoạn đầu, các triệu chứng có thể thuyên giảm hoặc biến mất trong nhiều tuần hay nhiều tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng thường xuất hiện trở lại và trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Lưu ý rằng, việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cần được thực hiển bởi chuyên gia và bác sỹ. Chính vì vậy, hãy đi khám ngay nếu bạn hoặc những người xung quanh nhận thấy các dấu hiệu của RLS.

So 3

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

RLS có tính di truyền và trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây ra RLS vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa đã phát hiện ra một vài nguyên nhân sau:[1-5]

  • Hàm lượng sắt trong não thấp.
  • Rối loạn chức năng ở một phần não kiểm soát chuyển động. 
  • Sự gián đoạn nồng độ dopamine trong não thường dẫn đến những cử động không chủ ý. 
  • Những người mắc chứng rối loạn vận động, bệnh Parkinson có nguy cơ mắc RLS cao hơn.

RLS cũng dường như có liên quan hoặc đi kèm với các yếu tố nguy cơ sau:

  • Bệnh thận giai đoạn cuối và chạy thận nhân tạo.
  • Bệnh thần kinh (tổn thương thần kinh)
  • Thiếu ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ
  • Mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường biến mất trong vòng bốn tuần sau khi sinh.
  • Sử dụng đồ uống có cồn, nicotine và caffeine.
  • Một số loại thuốc cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng RLS chẳng hạn như một số loại thuốc chống buồn nôn, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm…
So 4

Điều trị

Hiện tại, không có cách nào để chữa khỏi RLS, chủ yếu là các biện pháp giúp cải thiện triệu chứng. Nói chung, RLS là một hội chứng đòi hỏi phải điều trị suốt đời:[1-5]

  • Những cải thiện đáng kể được nhận thấy nhanh chóng khi bệnh nhân được dùng thuốc làm tăng lượng dopamine trong não hoặc chất bổ sung sắt. 
  • Những người mắc bệnh nhẹ hơn có thể được điều trị thành công bằng thuốc an thần hoặc các chiến lược hành vi. Những chiến lược này bao gồm giãn cơ, tắm nước nóng hoặc xoa bóp chân trước khi đi ngủ…
  • Tránh sử dụng một số loại thuốc có thể gây ra RLS.
  • Tránh hoặc hạn chế sử dụng rượu, bia, nicotine và caffeine.
  • Cải thiện vệ sinh giấc ngủ.
  • Một số người có thể cần dùng thuốc chống co giật để kiểm soát cảm giác bò trườn ở chân tay. Một số người khác có các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể cần được điều trị bằng thuốc giảm đau.
So 5

Rối loạn vận động tay chân theo chu kỳ (PLMD) và RLS

Hơn 80% những người mắc RLS cũng cũng mắc một tình trạng gọi là rối loạn vận động chân tay theo chu kỳ (Periodic Limb Movement Disorder: PLMD). PLMD liên quan đến việc uốn cong hoặc co giật các chi lặp đi lặp lại, vì chúng xảy ra trong khi ngủ nên mọi người thường không nhận thức được chúng.[2-5]

PLMD khác với RLS ở chỗ các chuyển động không kèm theo cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, các chuyển động liên quan đến PLMD có thể khiến một người thức giấc và do đó có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ ở những bệnh nhân mắc RLS. Mặc dù hầu hết những người mắc RLS đều mắc PLMD nhưng nhiều người mắc PLMD lại không mắc RLS.

Đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia và bác sỹ nếu bạn nhận thấy mình có các triệu chứng liên quan đến RLS, chẳng hạn như những cảm giác khó chịu ở chân tay làm cản trở giấc ngủ của bạn.

Hãy trân trọng giấc ngủ và áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ đề phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị các vấn đề về giấc ngủ. 

Nguồn tham khảo

+ 05 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] BS. Nguyễn Thế Anh. 27/6/2012. Bạn biết gì về hội chứng chân không nghỉ?. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 16/4/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/ban-biet-gi-ve-hoi-chung-chan-khong-nghi-16950642.htm

[2] MedlinePlus. “Restless legs syndrome”. Medlineplus.gov. Truy cập vào 16/4/2024, từ https://medlineplus.gov/genetics/condition/restless-legs-syndrome/

[3] National Heart, Lung, and Blood Institute (U.S. Department of Health and Human Services – National Institutes of Health), Your Guide to Healthy Sleep. USA: NIH Publication No. 11-5271, 2011.

[4] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Restless Legs Syndrome”. ninds.nih.gov. Truy cập vào 16/4/2024, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/restless-legs-syndrome

[5] Richard J. Schwab. 05/2022. Periodic Limb Movement Disorder (PLMD) and Restless Legs Syndrome (RLS). Merck Manual Consumer Version. Truy cập vào 16/4/2024, từ https://www.merckmanuals.com/home/brain,-spinal-cord,-and-nerve-disorders/sleep-disorders/periodic-limb-movement-disorder-plmd-and-restless-legs-syndrome-rls

Chia sẻ bài viết