Giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối quan hệ như thế nào?

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Hệ thống mạng lưới phức tạp này gồm các tế bào, mô và cơ quan, cùng hợp tác với nhau để loại bỏ hầu hết các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, từ cảm lạnh, nhiễm trùng cho đến ung thư.

Giấc ngủ và hệ miễn dịch có một sự kết hợp hai chiều mật thiết. Giấc ngủ ngon là nền tảng cần thiết để hệ miễn dịch có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình. Khi bạn ngã bệnh cơ thể có xu hướng ngủ nhiều hơn, giúp củng cố năng lực “chiến đấu” của hệ miễn dịch.

Bài viết này giúp bạn hiểu thêm về tác động của giấc ngủ lên sự vận hành của hệ thống miễn dịch và cung cấp một vài lời khuyên về giấc ngủ mà hệ thống miễn dịch cần để có thể hoạt động tốt nhất.

So 1

Hệ thống miễn dịch gồm những gì và hoạt động như thế nào?

Con người có 2 cơ chế miễn dịch chính là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng, cùng phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể.

Hệ miễn dịch bẩm sinh (Innate Immune System)

Là sự bảo vệ được sinh ra cùng với lúc bạn chào đời và là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể. Với cơ chế phản ứng nhanh, theo cùng một cách với tất cả các loại mầm bệnh và chất lạ, nên đôi khi còn được gọi là hệ miễn dịch “không đặc hiệu”. Gồm nhiều lớp bảo vệ khác nhau.[1, Ch. 24][2, Ch.2][3]

Hệ miễn dịch bẩm sinh

Hệ miễn dịch thích ứng (Adaptive Immune System)

Được kích hoạt bởi hệ miễn dịch bẩm sinh để cùng nhau chống lại những mầm bệnh hoặc chất lạ (kháng nguyên) vượt qua được tuyến phòng thủ đầu tiên. Cơ chế phản ứng của miễn dịch thích ứng diễn ra chậm hơn nhưng chính xác và hiệu quả hơn so với miễn dịch bẩm sinh nên còn có tên gọi khác là miễn dịch “đặc hiệu”.[1, Ch. 25][2, Ch.3][3]

Hệ miễn dịch thích ứng có khả năng “ghi nhớ” mầm bệnh sau khi tiếp xúc, như khi mắc bệnh hoặc được tiêm vắc-xin. Khi gặp phải các loại mầm bệnh đã biết, cơ thể sẽ phản ứng nhanh hơn khiến tác động của của bệnh trở nên không đáng kể hoặc nhẹ hơn.

Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu được thực hiện bởi hai loại tế bào lympho (một loại tế bào bạch cầu) là tế bào B và tế bào T với hai phương thức chính:

He mien dich thich ung
So 2

Giấc ngủ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào?

Giấc ngủ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể phục hồi sau khi mắc bệnh và phản ứng hiệu quả hơn với vắc-xin. Bên cạnh đó, giấc ngủ chất lượng giúp duy trì hệ miễn dịch luôn ở trạng thái cân bằng, không quá yếu và không quá kích thích.[4, 5, 6]

Thiếu ngủ gây ra các tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch, “trưng ra” các điểm yếu của cơ thể để mầm bệnh dễ dàng tấn công:

Tác động của thiếu ngủ lên hệ miễn dịch
  • A: Tế bào diệt tự nhiên (tế bào NK) là một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh, giữ vai trò quan trọng trong việc nhận biết và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus cũng như các tế bào ung thư.[1, Ch. 24][7]
  • Thiếu ngủ khiến các tế bào NK “yếu” đi, sau một đêm chỉ ngủ khoảng 4 tiếng, hiệu suất hoạt động của các tế bào NK giảm khoảng 70% so với bình thường.[4][8] Một nghiên cứu khác cho thấy sự suy giảm chức năng của các tế bào NK có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ tử vong do ung thư đến 1,6 lần.[9]
  • B: Viêm (Inflammation) bình thường là một phản ứng có lợi của cơ thể khi bạn bị ốm hoặc bị thương.[1, Ch. 24][10]Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không bị bệnh, quá trình viêm vẫn diễn ra.
  • Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân khiến quá trình viêm trở nên cực đoan và kéo dài. Điều này góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh trầm cảm và thậm chí là ung thư.[4, 11, 12, 13]
  • C: Một người càng bị thiếu ngủ thì càng dễ bị nhiễm trùng và mắc phải những căn bệnh có liên quan như: cảm lạnh, cúm, viêm phổi…[4]
  • Như đã đề cập, việc tiêm vắc-xin giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công mầm bệnh một cách hiệu quả và chính xác. Thiếu ngủ khiến khả năng bảo vệ của vắc-xin bị suy yếu do làm suy giảm đáng kể lượng kháng thể được sinh ra, ngay cả khi những người bị thiếu ngủ được phép ngủ bù sau khi tiêm.[4, 14, 15]
So 3

Hệ miễn dịch tác động đến giấc ngủ ra sao?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng của hệ miễn dịch. Ngược lại, khi bạn mắc bệnh, hệ miễn dịch cũng rất biết cách “khai thác “giấc ngủ để cải thiện khả năng chống lại mầm bệnh.

Tác động của hệ miễn dịch lên giấc ngủ
  • A: Dấu hiệu đầu tiên dễ nhận thấy là những người bị bệnh thường dành nhiều thời gian hơn để ngủ. Nguyên nhân là do một loạt các phản ứng khác nhau từ hệ miễn dịch khiến cơ thể thiếu năng lượng và buồn ngủ.[16]
  • B: Khi bạn bị bệnh, bản chất giấc ngủ của bạn cũng thay đổi. Các phản ứng miễn dịch khiến bạn dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn ngủ sâu, sóng chậm. Trong giai đoạn này cơ thể thư giãn ở mức tối đa, giúp hệ miễn dịch có nhiều năng lượng hơn để chống lại mầm bệnh.[17, 18]
  • C: Chu kỳ ngủ-thức của bạn cũng sẽ có sự dịch chuyển nhất định trong quá trình chiến đấu chống lại bệnh tật của hệ miễn dịch. Phản ứng viêm có thể là một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi này.[19]

Không chỉ dừng lại ở hệ miễn dịch, “thiếu ngủ sẽ giết chết bạn theo nhiều cách”. Giấc ngủ ngon và đủ thời lượng là rất cần thiết cho sức khỏe.

Để có được điều này, trân trọng và ưu tiên giấc ngủ là điều đầu tiên bạn cần làm. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ vào cuộc sống là một trong những cách đơn giản nhất để cải thiện giấc ngủ của bạn.

Đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia hoặc bác sỹ nếu bạn nhận thấy các vấn đề về giấc ngủ đang khiến cho sức khỏe của mình ngày một xấu đi.

Nguồn tham khảo

+ 19 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] Bruce Alberts, Alexander Johnson, Julian Lewis, Martin Raff, Keith Roberts and Peter Walter, Molecular biology of the cell, fifth edition. New York, NY, USA: Garland science, Taylor & Francis Group, 2008. 

[2] Lauren Sompayrac, How the immune system works, sixth edition. New Jersey, NJ, USA: John Wiley & Sons Ltd, 2019. 

[3] Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG, Germany). 2020. The innate and adaptive immune systems. InformedHealth. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://www.informedhealth.org/the-innate-and-adaptive-immune-systems.html

[4] M.Walker, “Mất ngủ và hệ miễn dịch”, trong Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017, tr. 261-268.

[5] Phyllis C Zee, Fred W Turek. 2006. Sleep and health: Everywhere and in both directions. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16983044/

[6] Luciana Besedovsky, Tanja Lange, and Jan Borncorresponding. 2012. Sleep and immune function. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3256323/

[7] Peter J. Delves. 09/2022. Cellular Components of the Immune System. MSD Manual – Professional Version. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://www.msdmanuals.com/professional/immunology-allergic-disorders/biology-of-the-immune-system/cellular-components-of-the-immune-system

[8] Irwin MR, Mascovich A, Gillin JC, Willoughby R, Pike J, Smith TL. 1994. Partial sleep deprivation reduces natural killer cell activity in humans.          National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7871104/

[9] Imai K, Matsuyama S, Miyake S, Suga K, Nakachi K. 2000. Natural cytotoxic activity of peripheral-blood lymphocytes and cancer incidence: an 11-year follow-up study of a general population. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11117911/

[10] Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG, Germany). 18/5/2021. What is an inflammation?. InformedHealth. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://www.informedhealth.org/what-is-an-inflammation.html

[11] Michael R Irwin. 2019. Sleep and inflammation: partners in sickness and in health. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31289370/

[12] Michael R Irwin, Minge Wang, Capella O Campomayor, Alicia Collado-Hidalgo, Steve Cole. 2006. Sleep deprivation and activation of morning levels of cellular and genomic markers of inflammation. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16983055/

[13] Fahed Hakim, Yang Wang, Shelley X L Zhang, Jiamao Zheng, Esma S Yolcu, Alba Carreras, Abdelnaby Khalyfa, Haval Shirwan, Isaac Almendros, David Gozal. 21/01/2014. Fragmented sleep accelerates tumor growth and progression through recruitment of tumor-associated macrophages and TLR4 signaling. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24448240/

[14] Nina C M Schmitz, Ysbrand D van der Werf, Heidi M Lammers-van der Holst. 2022. The Importance of Sleep and Circadian Rhythms for Vaccination Success and Susceptibility to Viral Infections. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35225954/

[15] Petra Zimmermann, Nigel Curtis. 2019. Factors That Influence the Immune Response to Vaccination. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30867162/

[16] Luca Imeri, Mark R Opp. 2009. How (and why) the immune system makes us sleep. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19209176/

[17] Elizabeth G Ibarra-Coronado, Ana Ma Pantaleón-Martínez, Javier Velazquéz-Moctezuma, Oscar Prospéro-García, Mónica Méndez-Díaz, Mayra Pérez-Tapia, Lenin Pavón, Jorge Morales-Montor. 2015. The Bidirectional Relationship between Sleep and Immunity against Infections. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26417606/

[18] J.M. Krueger and M.R. Opp. 2016. Sleep and Microbes.                                        National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5441385/

[19] Irene Telias, Mary Elizabeth Wilcox. 2019. Sleep and Circadian Rhythm in Critical Illness. National Library of Medicine. Truy cập vào 25/01/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30850003/

Chia sẻ bài viết