Ngủ ngắn, ngủ trưa và những thông tin sẽ làm bạn bất ngờ

Winston Churchill

Thủ tướng, nhà lãnh đạo vĩ đại của nước Anh

Nature had not intended mankind to work from 8 in the morning until midnight without the refreshment of blessed oblivion which, even if it only lasts 20 minutes, is sufficient to renew all the vital forces
– Tạo hóa không lập trình cho con người khả năng làm việc liên tục từ 8 giờ sáng đến nửa đêm mà thiếu đi sự tươi tỉnh đến từ một giấc ngủ ngắn, dù chỉ kéo dài 20 phút, cũng đủ để tái tạo mọi sinh lực.

“42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên” – theo khảo sát của Anphabe tại Việt Nam vào năm 2022. [1]

Cuộc sống xã hội hiện đại hối hả vốn đã khiến cho giấc ngủ của nhiều người bị xáo trộn, nay còn tồi tệ hơn sau đại dịch COVID-19. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Bên cạnh những thay đổi từ suy nghĩ đến hành động giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ thì việc sử dụng linh hoạt những giấc ngủ ngắn (Naps) có thể được xem như một giải pháp giúp duy trì sự tỉnh táo và khắc phục tình trạng mệt mỏi tốt hơn so với việc sử dụng các chất kích thích như: caffeine, nicotine…

Ngủ trưa là một ví dụ điển hình. Ngủ trưa là giấc ngủ ngắn thường diễn ra vào giữa ngày sau bữa ăn, từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người. 

Tìm hiểu những lợi ích mà ngủ ngắn, ngủ trưa mang lại sẽ giúp bạn có thêm một cái nhìn mới, xác định xem liệu có nên chợp mắt hay không và làm thế nào để xây dựng một thói quen ngủ ngắn lành mạnh.

So 1

Ai đã và đang tận dụng sức mạnh của ngủ ngắn và ngủ trưa?

Ngủ trưa là thói quen truyền thống đã có từ lâu ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Italia, Trung Quốc, Việt Nam, các quốc gia có khí hậu nóng…[2, 3]

Rất nhiều vĩ nhân thế giới đã nhận thức được sức mạnh của những giấc ngủ ngắn và áp dụng vào cuộc sống của mình như: Leonardo da Vinci, Isaac Newton, Napoleon Bonaparte, Albert Einstein, Winston Churchill, Thomas Edison…[4, Ch. 1] [5]

Ngày nay, cùng với rất nhiều nghiên cứu của các tổ chức, các nhà khoa học, điển hình như Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa kỳ (NASA)[4], những ích lợi của ngủ ngắn cũng như ngủ trưa càng trở nên rõ ràng hơn.

Chính vì vậy, thói quen này đang dần phổ biến trở lại ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…những nơi mà giấc ngủ từ lâu đã bị chi phối bởi cuộc sống hiện đại hối hả và những định kiến xã hội.[6-8]

So 2

Vì sao chúng ta ngủ trưa?

Ngủ trưa không bắt nguồn từ văn hóa, cũng không phải là một sự lựa chọn xuất phát từ môi trường hoặc hành vi. Ngủ trưa mang tính sinh học sâu sắc. Người trưởng thành bình thường có giấc ngủ chia làm hai pha gồm một khoảng thời gian dài vào ban đêm và một khoảng thời gian ngắn vào giữa ngày. Đây là mô hình giấc ngủ cơ bản, được lập trình bên trong mỗi người. [4, Ch. 1][9, tr. 100-105][10]

Thời điểm ngủ trưa hoàn hảo

Con người có xu hướng cảm thấy buồn ngủ vào đầu giờ chiều (khoảng 1-3 giờ chiều). Vào thời điểm này, nhiệt độ cơ thể giảm, nhịp sinh học chùng xuống, áp lực ngủ gia tăng và chiếm ưu thế, dẫn đến nhu cầu cho một giấc ngủ ngắn.

Quá trình sinh học này được thiết kế bởi bàn tay của tạo hóa giúp chúng ta có một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn vào giữa ngày, phục hồi năng lượng để hoàn thành các công việc còn lại trước khi lên giường ngủ một giấc dài vào cuối ngày.

So 3

Lợi ích mà ngủ ngắn, ngủ trưa mang lại

Lợi ích của ngủ ngắn, ngủ trưa
  • A: đây là lợi ích đầu tiên, dễ nhận thấy nhất sau khi thức dậy từ một giấc ngủ ngắn lành mạnh. [4, Ch. 3][11- 14]
  • B: ngủ ngắn, ngủ trưa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình củng cố trí nhớ (quá trình chuyển ký ức ngắn hạn thành dài hạn) từ đó giúp tăng cường khả năng học hỏi và lưu giữ những thông tin mới. [4, Ch. 3][9, tr. 158-162][14-17]
  • C: những giấc ngủ ngắn giúp xoa dịu cảm giác uể oải và mệt mỏi, giúp bạn bớt căng thẳng và khiến tâm trạng trở nên tốt hơn. [4, Ch. 3][18, 19]
  • D: xã hội hiện đại với bộn bề lo toan và nhiều mối quan tâm, thời gian mà mọi người dành cho giấc ngủ cũng giảm dần, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ kèm theo nhiều tác hại. Ngủ ngắn, ngủ trưa là cách để chúng ta phần nào hồi phục, giảm nợ ngủ và những tác động tiêu cực mà nó gây ra.[12, 13, 20, 21]
So 4

Tác dụng phụ của ngủ ngắn, ngủ trưa

Bên cạnh nhiều ích lợi cho sức khỏe, bạn cũng cần biết rằng, ngủ ngắn không đúng cách, không đúng thời điểm có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Hai tác dụng phụ chính thường gặp là:

  • Quán tính ngủ (Sleep inertia): tình trạng chệnh choạng, mất phương hướng và mong muốn quay trở lại giấc ngủ. Quán tính ngủ thường xảy ra khi bạn thức dậy vào giai đoạn ngủ sâu, sóng chậm của chu kỳ ngủ.[22]Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến một số người bị đau đầu sau khi ngủ trưa.
  • Khó ngủ vào ban đêm: thường xảy ra khi giấc ngủ ngắn kéo dài quá lâu hoặc không đúng thời điểm. Điều này có thể khiến cho chứng mất ngủ thêm trầm trọng.[11, 12, 23]

Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu cũng chỉ ra các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến những giấc ngủ ngắn như:

  • Việc chợp mắt lâu hơn 60 phút vào ban ngày có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim cũng như khả năng tử vong từ mọi nguyên nhân. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và thói quen ngủ. [24, 25]
  • Một số báo cáo khác cũng cho thấy những tác động tiêu cực của những giấc ngủ ngắn đối với sức khỏe của người lớn tuổi. Tuy nhiên, những tác động này là chưa rõ ràng và cần được nghiên cứu thêm.[14, 26]
  • Một nghiên cứu mới do Trường Kinh doanh Harvard thực hiện ở Tây Ban Nha chỉ ra rằng, những người thường ăn quá nhiều vào bữa trưa và không ngủ đủ giấc vào ban đêm có rủi ro cao mắc bệnh béo phì, huyết áp cao và tiểu đường nếu ngủ trưa lâu hơn 30 phút.[27]

Cho đến nay, vẫn chưa rõ những giấc ngủ ngắn có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như thế nào. Cũng có thể ngủ ngắn quá mức là một triệu chứng của các vấn đề sức khỏe chứ không phải là nguyên nhân. Vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về tác động tiêu cực của những giấc ngủ ngắn đến sức khỏe.

So 5

Nên ngủ trưa bao lâu, lúc nào, ở đâu? 04 quy tắc giúp xây dựng thói quen ngủ ngắn, ngủ trưa lành mạnh

Nguyen tac ngu ngan hieu qua 1

1 Đúng thời điểm

Nếu có thể, hãy sắp xếp những giấc ngủ ngắn trong hai khoảng thời gian từ 1-3 giờ chiều và 1-3 giờ sáng. Đây là lúc áp lực ngủ lên cao, nhịp sinh học chùng xuống, tạo nên thời điểm hoàn hảo cho một giấc ngủ ngắn, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến giấc ngủ dài trong ngày.[4, Ch. 9][10, 12, 27]

Ngoài ra, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ nhưng cần phải tỉnh táo, một giấc ngủ ngắn luôn là một sự lựa chọn tốt hơn so với việc sử dụng các chất kích thích như: caffeine, nicotine…

2 Đúng thời lượng

Kiểm soát thời lượng giúp bạn hạn chế quán tính ngủ và những ảnh hưởng đến giấc ngủ dài trong ngày. Hãy cân nhắc việc đặt báo thức nếu cần thiết.[4, Ch. 9] [11, 27, 28]

Thoi luong ngu ngan lanh manh

3 Đúng địa điểm

An toàn, mát mẻ, yên tĩnh và tối luôn là những tiêu chí hàng đầu cho một nơi để ngủ:

  • Đối với những người làm việc tại nhà, phòng ngủ, nơi đáp ứng được các nguyên tắc về vệ sinh giấc ngủ, rõ ràng là nơi thích hợp nhất để chợp mắt.
  • Môi trường văn phòng, công trường…có rất nhiều yếu tố có thể khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn. Hãy cố gắng tận dụng mọi cơ hội để chợp mắt, các phụ kiện như nút bịt tai, mặt nạ che mắt, gối, chăn…có thể hữu ích với vài người. 

4 Đúng nguyên tắc

Bạn nên thư giãn, nghỉ ngơi một chút sau khi ăn trước khi bắt đầu giấc ngủ. Khi ngủ không nên để vùng đầu tiếp xúc trực tiếp với hành lang thông gió, cửa gió điều hòa, quạt mát vì điều này có thể khiến bạn mệt mỏi, cảm lạnh, nhức đầu, đau nhức xương khớp…

Tư thế ngủ cũng rất quan trọng, tốt nhất nhất là bạn nên nằm ngủ trên một mặt phẳng và có gối kê đầu.

Sau khi thức dậy, bạn nên dành một khoảng thời gian để khởi động để tâm trí hoàn toàn tỉnh táo trước khi quay trở lại với công việc, caffeine nap (đề cập ở phần sau của bài viết) có thể là một giải pháp. Bên cạnh đó, bạn cũng nên duy trì việc thực hành các khuyến nghị về vệ sinh giấc ngủ để cải thiện giấc ngủ của mình.

Xây dựng thói quen ngủ ngắn hiệu quả cần có thời gian. Sau khi kiên nhẫn thử nghiệm và xác định được thời điểm, thời lượng, địa điểm ngủ phù hợp với mình, bạn nên duy trì thói quen này. 

Tuy nhiên, không điều gì là tuyệt đối. Nếu bạn cảm thấy những giấc ngủ ngắn hoặc những khuyến nghị trên không phù hợp với cuộc sống của mình thì hãy cứ tiếp tục duy trì nhịp sống bình thường và thoải mái như trước đây.

So 6

Giấc ngủ ngắn cho những người làm việc theo ca

Thuật ngữ làm việc theo ca đề cập đến bất kỳ lịch làm việc nào nằm ngoài khung giờ từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Công việc theo ca có thể bao gồm các ca làm việc vào ban đêm và sáng sớm với lịch trình cố định hoặc luân phiên như: công nhân, cảnh sát, y tá…[29]

Y ta lam theo ca

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình, những người làm việc theo ca ngủ ít hơn 1,5 giờ mỗi ngày so với những người làm việc theo giờ hành chính.[4, Ch. 9]

Ngoài những tác hại do thiếu ngủ gây ra, việc buộc phải thức khi cơ thể muốn ngủ một cách tự nhiên và ngủ khi cơ thể thường cảm thấy cần phải tỉnh táo sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca (Shift work disorder) và càng khiến cho tình trạng thiếu ngủ thêm tồi tệ.

Những vấn đề về giấc ngủ có thể là nguyên nhân chính khiến họ thường mắc lỗi nhiều hơn trong công việc, có nhiều khả năng ngủ gật tại nơi làm việc và trong lúc lái xe về nhà cũng như gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe.[29-32]

Việc sử dụng linh hoạt những giấc ngủ ngắn sẽ giúp họ giảm nợ ngủ và khôi phục lại phần nào sự cân bằng cho sức khỏe. Sau đây là một vài khuyến nghị:[4, Ch. 9][11, 29, 32, 33]

  • Tận dụng thời gian nghỉ giữa ca (hoặc bất kỳ thời điểm nào phù hợp) để chợp mắt nhanh (10-30 phút) nhằm lấy lại sự tỉnh táo cần thiết và ngăn chặn những cơn ngủ gật. Bạn cũng nên cân nhắc việc sử dụng caffeine nap.
  • Vì vẫn phải đối mặt với những tác hại do thiếu ngủ gây ra, bạn nên cố gắng sắp xếp một giấc ngủ ngắn khoảng 90 phút vào một lúc nào đó trong ngày khi cảm thấy mệt mỏi để trả nợ ngủ.
  • Chợp mắt tại nơi làm việc ngay sau khi hoàn thành ca làm có thể là một chiến lược phòng ngừa hữu ích giúp bạn tránh khỏi những cơn ngủ gật trên đường lái xe về nhà.

Những người làm việc theo ca cố định phải đối mặt với nhiều thách thức về giấc ngủ. Tuy nhiên, họ vẫn còn cơ hội để thích nghi, điều chỉnh vì những sự thay đổi lâu dài và ổn định dần dần sẽ trở thành thói quen.

Trái lại, những vấn đề về giấc ngủ của những người làm việc luân phiên ba ca là trầm trọng hơn. Nhịp sinh học của những người này không có cơ hội theo kịp với lịch làm việc. Các dấu hiệu môi trường để hiệu chỉnh đồng hồ sinh học như: ánh sáng mặt trời, nhiệt độ, tương tác xã hội…thay đổi liên tục, không nhất quán. Giấc ngủ cũng vì thế mà thường xuyên gián đoạn hơn.

Làm việc theo ca trong xã hội công nghiệp, hiện đại là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dù bạn đang làm việc theo ca cố định hay ca luân phiên, hãy trân trọng giấc ngủ và cố gắng tận dụng những giấc ngủ ngắn kết hợp với các nguyên tắc về vệ sinh giấc ngủ để cứu lấy giấc ngủ và sức khỏe của bạn.

So 7

Giấc ngủ đa pha là gì? Mục đích của giấc ngủ đa pha

Giấc ngủ đa pha

Giấc ngủ đa pha (Polyphasic sleep) là giấc ngủ xảy ra vào nhiều khoảng thời gian trong ngày.

Kiểu ngủ này thường gặp ở trẻ sơ sinh và các loài động vật. Ở người trưởng thành giấc ngủ thường chỉ có 1 (một giấc ngủ dài về đêm) hoặc 2 pha (một giấc ngủ dài về đêm và một giấc ngủ ngắn vào giữa ngày).[9, Ch. 4&5]

Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những biến số bất ngờ khiến bạn đôi khi phải hy sinh giấc ngủ của mình để đạt được một mục đích nào đó: một công việc quan trọng cần hoàn thành trong thời gian ngắn, một sự cố hoặc một sự việc khẩn cấp nào đó buộc bạn phải tỉnh táo lâu nhất có thể…

Chính vì vậy, lịch trình ngủ đa pha có thể là một sự lựa chọn có lợi trong hoàn cảnh khắc nghiệt khi việc duy trì một giấc ngủ dài cố định là điều không thể. Khi áp dụng, một người sẽ chủ động chia nhỏ giấc ngủ của mình thành nhiều giai đoạn, phân bố trong một ngày.

Lịch trình ngủ đa pha cơ bản chia một ngày thành 3 “ngày nhỏ” kéo dài 8 tiếng. Trong mỗi “ngày nhỏ” này, người áp dụng sẽ sắp xếp thời gian để có được một giấc ngủ ngắn 90 phút, sao cho tổng thời gian ngủ là 4,5 tiếng trong khoảng thời gian 24 giờ.

Nếu có thể hãy bố trí giấc ngủ ngắn vào thời điểm áp lực ngủ lên cao và nhịp sinh học chùng xuống, tức là trong 2 khoảng thời gian từ 1-3 giờ sáng và 1-3 giờ chiều.[4, Ch. 9]

Ba lịch trình ngủ đa pha phổ biến khác có thể kể đến như:[34, 35]

Lich trinh ngu nhieu pha

Cuối cùng, sau khi hy sinh giấc ngủ và đạt được mục đích, cơ thể bạn cần thời gian để phục hồi và trả nợ ngủ. Không nhất thiết phải ngủ bù dồn dập, bằng cách cho bản thân ngủ đủ 8 tiếng về đêm và kết hợp với một giấc ngủ ngắn 90 phút vào giữa ngày, dần dần bạn sẽ có thể quay trở lại với thói quen ngủ lành mạnh như trước.

Bạn cần nhớ rằng, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc áp dụng giấc ngủ đa pha có liên quan đến bất kỳ lợi ích sinh lý nào. Lịch trình giấc ngủ đa pha hạn chế nghiêm trọng giấc ngủ và do đó gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe do thiếu ngủ. [4, Ch. 9][34-36]

Chính vì vậy, mô hình ngủ đa pha chỉ nên được áp dụng trong trường hợp đặc biệt, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, đi kèm với một thời gian phục hồi hợp lý và quan trọng nhất là cần được thúc đẩy bởi một mục tiêu tích cực, rõ ràng (động lực càng lớn, khả năng thích nghi càng cao).

So 8 1

“Caffeine nap” hay “Coffee nap” là gì?

Coffee nap

Đúng như tên gọi của mình, đây chính là sự kết hợp giữa hiệu suất tỉnh táo của caffeine và những ích lợi từ giấc ngủ ngắn.

Sự kết hợp này đạt được dựa vào 2 nguyên tắc:[11, 22, 37, 38]

  • Thời lượng ngủ ngắn tối ưu được khuyến nghị là từ 10-30 phút.
  • Caffeine mất khoảng 30 phút để phát huy tác dụng.

Chính vì vậy, dung nạp caffeine (thường là cà phê) ngay trước khi chợp mắt sẽ giúp bạn có được hiệu suất tỉnh táo ở mức tối đa với quán tính ngủ ở mức tối thiểu ngay sau khi thức dậy.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dung nạp được caffeine và việc dung nạp không hợp lý có thể gây ra tác dụng phụ hoặc làm gián đoạn giấc ngủ. Bạn cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng phương pháp này.

So 9

Những câu hỏi thường gặp

Ngủ ngắn có thể thay thế giấc ngủ dài ban đêm không?

Không thể!

Một giấc ngủ ngon, đủ thời lượng về đêm đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Gần như mọi hệ thống trong cơ thể đều cần giấc ngủ để hoạt động tốt, từ trái tim cho đến hệ thống miễn dịch. Giấc ngủ cũng giúp loại bỏ chất thải ra khỏi não, giữ cho đầu óc minh mẫn suốt cả ngày.[39]

Ở người trưởng thành, giấc ngủ ngắn có thể bao gồm tất cả các giai đoạn ngủ giống với giấc ngủ dài về đêm nhưng theo tỷ lệ và thời lượng khác biệt:

  • Những giấc ngủ ngắn có thời lượng dưới 30 phút được khuyến nghị để hạn chế tối đa tác dụng phụ. Tuy nhiên, bạn thường không thể bước vào giai đoạn ngủ sâu (NREM 3) cũng như REM và nhận được những ích lợi từ chúng.
  • Với những giấc ngủ ngắn có thời lượng khoảng 90 phút, bạn có thể trải qua một chu kỳ ngủ hoàn chỉnh và nhận được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu ngủ ngắn quá lâu và không đúng hoàn cảnh thì tác dụng phụ là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, 90 phút là thời gian hoàn thành của chỉ 1 chu kỳ ngủ, trong khi giấc ngủ dài về đêm là sự kết hợp của từ 4-5 chu kỳ ngủ.

Chính vì vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến những giấc ngủ ngắn không thể mang lại khả năng phục hồi được như việc ngủ nghỉ cả đêm.[4, Ch. 5&6][12, 40]

Ngắn đến mức nào?

Để những giấc ngủ ngắn có thể bắt đầu phát huy được những lợi ích của mình chúng cần kéo dài ít nhất 5 phút. Những giấc ngủ vẫn được gọi là ngắn khi chúng kéo dài không quá 2 chu kỳ ngủ, tức là khoảng 3 tiếng đồng hồ.[4, Ch. 5]

Bên cạnh đó, một nghiên cứu cụ thể đã đánh giá các đối tượng sau khi họ chợp mắt ở các mốc thời gian là: 5, 10, 20 và 30 phút. Giấc ngủ ngắn kéo dài 5 phút mang lại lợi ích không đáng kể so với những mốc thời gian còn lại.[21]

Giấc ngủ ngắn giữa trẻ em và người lớn có sự khác biệt gì?

Nhu cầu ngủ của con người thay đổi theo tuổi tác. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi cần ngủ nhiều hơn người lớn để hỗ trợ sự phát triển. Ngoài giấc ngủ về đêm, bé cần được bổ sung thêm những giấc ngủ ngắn vào ban ngày.[4, Ch. 7][41, 42]

Trẻ sơ sinh có thể ngủ một hoặc nhiều giấc ngủ ngắn mỗi ngày, giấc ngủ có thể kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Khi trẻ lớn dần, thói quen ngủ cũng thay đổi. Trẻ lớn hơn có xu hướng cần ngủ ít hơn, dành ít thời gian hơn cho những giấc ngủ ngắn và có thể ngủ suốt đêm.

So 10

Dấu hiệu cảnh báo!

Mặc dù ngủ ngắn, ngủ trưa nói chung là một chức năng tự nhiên lành mạnh, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là triệu chứng của một số loại rối loạn giấc ngủ hoặc tình trạng bệnh lý. 

Buồn ngủ quá mức vào ban ngày là một trong những dấu hiệu cảnh báo của bệnh trầm cảm. Ngủ không kiểm soát, vào những thời điểm không mong muốn có thể là dấu hiệu của chứng ngủ rũ (Narcolepsy).[4, Ch. 5][43]

Nếu bạn không thể ngủ đủ giấc về đêm, thường xuyên ngủ bù bằng những giấc ngủ ngắn hoặc và không thể duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

So 11

Những ví dụ về việc áp dụng linh hoạt giấc ngủ ngắn vào đời sống

Chăm con nhỏ

Me cham con

Hoàn cảnh: Lan và Hùng là vợ chồng son, cả hai đều có công ăn việc làm ổn định và Lan vừa mới sinh được một bé trai kháu khỉnh.

Vấn đề: Trách nhiệm làm cha, làm mẹ khiến cả Hùng và đặc biệt là Lan thường xuyên bị thiếu ngủ, dẫn đến việc sức khỏe của cả hai bị ảnh hưởng.

Giải pháp: Hai vợ chồng cần ưu tiên giấc ngủ tối đa, ngủ bất cứ khi nào có thể (ngủ cùng lúc với bé) và áp dụng chiến lược ngủ ngắn sau nếu sắp xếp được thời gian:

  • Để hạn chế tối đa tình trạng mệt mỏi và uể oải khi phải trông bé qua đêm, vợ hoặc chồng có thể ngủ ngắn 90 phút từ khoảng 22g30 đến 24g, sau đó, ngủ ngắn 30 phút từ khoảng 2g30 đến 3g.[44, 45]
  • Sắp xếp một giấc ngủ ngắn kéo dài ít nhất 45 phút vào khoảng 3g chiều.[4, Ch. 7]

Làm ca đêm

Lam ca dem 1

Hoàn cảnh: Chiến là công nhân, làm ca đêm từ 10g tối hôm trước đến 6g sáng hôm sau.

Vấn đề: Với việc phải ngủ và thức trái với đồng hồ sinh học tự nhiên, Chiến thường xuyên bị thiếu ngủ và phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe.

Giải pháp: Chiến nên thu xếp thời gian để có được một giấc ngủ ngắn:

  • Khoảng 20 phút trong khoảng thời gian giải lao giữa ca.
  • Một giấc ngủ ngắn từ 60-90 phút vào tầm chiều tối.

Yêu cầu công việc

Tham gia hoi nghi

Hoàn cảnh: Duyên là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn. Theo lịch trình, công ty sẽ tổ chức một hội nghị rất quan trọng vào cuối tuần tới, Duyên biết rằng vào khoảng thời gian này chị sẽ rất bận rộn và chỉ có thể ngủ được 2-3 tiếng mỗi đêm.

Vấn đề: Duyên cần phải duy trì được sự tập trung và tỉnh táo ở mức cao trong suốt thời gian diễn ra hội nghị dù bị thiếu ngủ.

Giải pháp:

  • Vào những ngày trước khi bắt đầu hội nghị, Duyên cần ưu tiên ngủ đủ giấc.
  • Trong những ngày diễn ra hội nghị, Duyên cần tranh thủ chợp mắt khoảng 20 phút bất cứ khi nào có thể.[4, Ch. 9]
  • Sau khi hội nghị kết thúc, Duyên cần ngủ đủ giấc mỗi đêm và kết hợp với một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều để cơ thể có thời gian hồi phục.

Áp dụng lịch trình ngủ đa pha

Game thu chuyen nghiep

Hoàn cảnh: Hùng là một game thủ chuyên nghiệp. Trong vòng 10 ngày sắp tới, Hùng sẽ tham dự một giải đấu lớn với số tiền thưởng khổng lồ. Hùng chấp nhận hạn chế giấc ngủ trong khoảng thời gian này để luyện tập và thi đấu.

Vấn đề: Hùng cần phải duy trì được sự tập trung và tỉnh táo ở mức cao dù bị thiếu ngủ trong một khoảng thời gian khá dài.

Giải pháp:

  • Vào những ngày trước khi bắt đầu giải đấu, Hùng cần ưu tiên ngủ đủ giấc.
  • Trong những ngày diễn ra giải đấu, được thúc đẩy bởi một mục đích tích cực và rõ ràng, Hùng áp dụng chế độ ngủ đa pha cơ bản: ngủ ngắn 90 phút trong mỗi 8 tiếng, tổng thời gian ngủ là 4,5 tiếng trong khoảng thời gian 24 giờ.
  • Sau khi giải đấu kết thúc, Hùng cần ngủ đủ giấc mỗi đêm và kết hợp với một giấc ngủ ngắn vào buổi chiều để trả nợ ngủ.

Ngủ ngắn, ngủ trưa không phải là biểu hiện của sự lười biếng. Những người sử dụng linh hoạt, lành mạnh những giấc ngủ ngắn, ngủ trưa là những người trân trọng giấc ngủ và biết cách tận dụng những lợi ích mà giấc ngủ mang lại để giải quyết các thử thách, khó khăn trong cuộc sống, tại nơi làm việc cũng như gia đình, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tuy không thể thay thế giấc ngủ dài trong ngày, nhưng với sự ủng hộ của khoa học hiện đại, những giấc ngủ ngắn đã dần khẳng định được vai trò của mình. Xã hội cũng đã có cái nhìn khác, thiện cảm hơn với “giấc mơ trưa”. Còn bạn thì sao?

Nguồn tham khảo

+ 45 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] Duy Tiến. 2022. Khảo sát mới: 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, stress. Báo Điện tử An ninh Thủ đô. Truy cập vào 15/12/2022, từ https://www.anninhthudo.vn/khao-sat-moi-42-nguoi-di-lam-dang-trong-trang-thai-met-moi-stress-post525310.antd

[2] Đức Trung. 19/5/2023. Người nước ngoài ngỡ ngàng với ‘văn hóa ngủ trưa’ ở Việt Nam. Báo điện tử VnExpress. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://vnexpress.net/nguoi-nuoc-ngoai-ngo-ngang-voi-van-hoa-ngu-trua-o-viet-nam-4604721.html

[3] Agnes Alpuerto. 19/5/2023. Midday Snooze: Vietnam’s Nap Culture, Explained. Vietcetera International Edition. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://vietcetera.com/en/midday-snooze-vietnams-nap-culture-explained

[4] Sara C. Mednick and Mark Ehrman, Take a nap! Change your life. New York, NY, USA: Workman Publishing, 2006. 

[5] Caroline Davies. 27/8/2021. From Aristotle to Einstein: a brief history of power nappers. The Guardian. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2021/aug/27/from-aristotle-to-einstein-a-brief-history-of-power-nappers

[6] Mari Shibata. 12/8/2019. Why overtired Japan is turning to office siestas. BBC. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.bbc.com/worklife/article/20190809-why-overtired-japan-is-turning-to-office-siestas

[7] Katie Holliday. 22/7/2014. In South Korea, you snooze, you don’t lose!. CNBC. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cnbc.com/2014/07/22/in-south-korea-you-snooze-you-dont-lose.html

[8] Ashton Jackson. 12/12/2021. 80% of Gen Z workers say they’ve taken a nap on the job. CNBC. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cnbc.com/2021/12/12/80percent-of-gen-z-workers-say-theyve-taken-a-nap-on-the-job.html

[9] M.Walker, Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017. [10] Centers for Disease Control and Prevention. “Afternoon Dip in Wakefulness”.                 Cdc.gov.  Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/work-hour-training-for-nurses/longhours/mod2/21.html

[11] Centers for Disease Control and Prevention. “Napping, an Important Fatigue Countermeasure”. Cdc.gov. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/work-hour-training-for-nurses/longhours/mod7/01.html

[12] National Heart, Lung, and Blood Institute (U.S. Department of Health and Human Services – National Institutes of Health), Your Guide to Healthy Sleep. USA: NIH Publication No. 11-5271, 2011.

[13] Maher Souabni, Omar Hammouda, Mohamed Romdhani, Khaled Trabelsi, Achraf Ammar, Tarak Driss. 10/2021. Benefits of Daytime Napping Opportunity on Physical and Cognitive Performances in Physically Active Participants: A Systematic Review. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34043185/

[14] Janna Mantua and Rebecca M. C. Spencer. 06/3/2017. Exploring the nap paradox: are mid-day sleep bouts a friend or foe?. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5598771/

[15] James N Cousins, Kian F Wong, Bindiya L Raghunath, Carol Look, Michael W L Chee. 01/2019. The long-term memory benefits of a daytime nap compared with cramming. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30371902/

[16] Olaf Lahl, Christiane Wispel, Bernadette Willigens, Reinhard Pietrowsky. 03/2008. An ultra short episode of sleep is sufficient to promote declarative memory performance. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18275549/

[17] Daria Antonenko, Susanne Diekelmann, Cathrin Olsen, Jan Born, Matthias Mölle. 04/2013. Napping to renew learning capacity: enhanced encoding after stimulation of sleep slow oscillations. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23301831/

[18] Mohamed Romdhani, Ismail Dergaa, Imen Moussa-Chamari, Nizar Souissi, Yassine Chaabouni, Kacem Mahdouani, Olfa Abene, Tarak Driss, Karim Chamari and Omar Hammouda. 11/02/2021. The effect of post-lunch napping on mood, reaction time, and antioxidant defense during repeated sprint exercice. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8670803/

[19] M Hayashi, M Watanabe, T Hori. 02/1999. The effects of a 20 min nap in the mid-afternoon on mood, performance and EEG activity. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10210616/

[20] Brice Faraut  1 , Samir Nakib, Catherine Drogou, Maxime Elbaz, Fabien Sauvet, Jean-Pascal De Bandt, Damien Léger. 03/2015. Napping reverses the salivary interleukin-6 and urinary norepinephrine changes induced by sleep restriction. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25668196/

[21] Amber Brooks, Leon Lack. 03/2008. A brief afternoon nap following nocturnal sleep restriction: which nap duration is most recuperative?. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16796222/

[22] Centers for Disease Control and Prevention. “Sleep Inertia”. Cdc.gov.                  Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/work-hour-training-for-nurses/longhours/mod7/03.html#:~:text=Sleep%20inertia%20is%20a%20temporary,mood%20after%20awakening%20from%20sleep.

[23] Richard J. Schwab. 09/2022. Insomnia and excessive daytime sleepiness (EDS). Merck Manual Professional Version. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.merckmanuals.com/professional/neurologic-disorders/sleep-and-wakefulness-disorders/insomnia-and-excessive-daytime-sleepiness-eds

[24] Tomohide Yamada, Nobuhiro Shojima, Toshimasa Yamauchi, Takashi Kadowaki. 02/12/2016. J-curve relation between daytime nap duration and type 2 diabetes or metabolic syndrome: A dose-response meta-analysis.                                                 National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5133463/

[25] Tomohide Yamada, Kazuo Hara, Nobuhiro Shojima, Toshimasa Yamauchi, Takashi Kadowaki. 01/12/2015. Daytime Napping and the Risk of Cardiovascular Disease and All-Cause Mortality: A Prospective Study and Dose-Response Meta-Analysis. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4667384/

[26] Zeyu Zhang, Xueling Xiao, Weixia Ma, Junxin Li. 25/7/2020. Napping in Older Adults: A Review of Current Literature. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7992388/

[27] Melissa Twigg. 01/5/2023. The napping sweet-spot and why the Spanish siesta might not be the answer. The Telegraph. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.telegraph.co.uk/health-fitness/body/how-to-plan-the-perfect-afternoon-nap/

[28] SKĐS. 15/5/2023. Ngủ trưa như thế nào có lợi cho sức khỏe?. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://suckhoedoisong.vn/ngu-trua-nhu-the-nao-co-loi-cho-suc-khoe-169230515143050179.htm

[29] Nancy S. Redeker, Claire C. Caruso, Sarah D. Hashmi, Janet M. Mullington, Michael Grandnerand Timothy I. Morgenthaler. 15/4/2019. Workplace Interventions to Promote Sleep Health and an Alert, Healthy Workforce. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6457507/

[30] Maureen Salamon. 28/02/2023. Shift work can harm sleep and health: What helps?. Harvard Health Publishing – Harvard Medical School. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.health.harvard.edu/blog/shift-work-can-harm-sleep-and-health-what-helps-202302282896

[31] Shazia Jehan, Ferdinand Zizi, Seithikurippu R Pandi-Perumal, Alyson K Myers, Evan Auguste,Girardin Jean-Louis and Samy I McFarlane. 06/10/2017. Shift Work and Sleep: Medical Implications and Management. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5836745/

[32] Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. “Làm ca đêm và những vấn đề về sức khỏe”. moh.gov.vn. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/lam-ca-em-va-nhung-van-e-ve-suc-khoe?inheritRedirect=false

[33] Centers for Disease Control and Prevention. “Naps at Work”. Cdc.gov.                  Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.cdc.gov/niosh/work-hour-training-for-nurses/longhours/mod7/07.html

[34] Matthew D Weaver, Tracey L Sletten, Russell G Foster, David Gozal, Elizabeth B Klerman, Shantha M W Rajaratnam, Till Roenneberg, Joseph S Takahashi, Fred W Turek, Michael V Vitiello, Michael W Young, Charles A Czeisler. 29/3/2021. Adverse impact of polyphasic sleep patterns in humans: Report of the National Sleep Foundation sleep timing and variability consensus panel. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33795195/

[35] Daniel Yetman. 11/01/2021. What Is Polyphasic Sleep, and Is It Safe?. Healthline. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.healthline.com/health/polyphasic-sleep

[36] Andrew J. K. Phillips, William M. Clerx, Conor S. O’Brien, Akane Sano, Laura K. Barger, Rosalind W. Picard, Steven W. Lockley, Elizabeth B. Klerman and Charles A. Czeisler. 12/6/2017.Irregular sleep/wake patterns are associated with poorer academic performance and delayed circadian and sleep/wake timing. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5468315/

[37] Lizzie Streit. 06/9/2018. Coffee Nap: Can Caffeine Before a Nap Boost Energy Levels?. Healthline. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.healthline.com/nutrition/coffee-nap

[38] Christine Pydych. 08/8/2023Coffee Nap. Sleep Foundation. Truy cập vào 15/12/2022, từ https://www.sleepfoundation.org/sleep-hygiene/coffee-nap

[39] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Brain Basics: Understanding Sleep”. ninds.nih.gov. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/public-education/brain-basics/brain-basics-understanding-sleep

[40] Jyoti Madhusoodanan. 28/3/2023. Can a Nap Make Up for a Bad Night of Sleep?. The New York Times. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.nytimes.com/2023/03/28/well/live/nap-benefits-sleep-loss.html

[41] MedlinePlus. 31/10/2022. Bedtime habits for infants and children. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://medlineplus.gov/ency/article/002392.htm

[42] M Weissbluth. 02/1995. Naps in children: 6 months-7 years. National Library of Medicine. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/7792496/

[43] Jay Summer. 08/8/2023. Napping: Benefits and Tips. Sleep Foundation. Truy cập vào 27/7/2023, từhttps://www.sleepfoundation.org/sleep-hygiene/napping

[44] Asia Grace. 19/9/2023. How power naps can make you a better parent, according to experts. New York Post. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://nypost.com/2023/09/19/how-power-naps-can-make-you-a-better-parent-according-to-experts/

[45] Sanae Oriyama. 18/6/2023. Effects of 90- and 30-min naps or a 120-min nap on alertness and performance: reanalysis of an existing pilot study. Nature Journal. Truy cập vào 27/7/2023, từ https://www.nature.com/articles/s41598-023-37061-9?utm_medium=affiliate&utm_source=commission_junction&utm_campaign=CONR_PF018_ECOM_GL_PHSS_ALWYS_DEEPLINK&utm_content=textlink&utm_term=PID100093539&CJEVENT=98718df46ce211ee81e6021b0a18b8fa

Chia sẻ bài viết