Rối loạn giấc ngủ và những thông tin bạn cần biết

So 1

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ (Sleep disorders) là thuật ngữ chung dùng để chỉ nhiều vấn đề về giấc ngủ kéo dài trong một khoảng thời gian, khiến chất lượng và thời lượng giấc ngủ của một người không được bảo đảm. Điều này có thể khiến họ bị thiếu ngủ và chịu nhiều tác hại.[1-5]

Hơn 100 chứng rối loạn giấc ngủ cụ thể đã được xác định.[6] Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine: AASM) đã phát hành một văn bản có tên viết tắt là ICSD (The International Classification of Sleep Disorders: Phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ) giúp cung cấp định nghĩa và phân loại các chứng rối loạn giấc ngủ. Theo ICSD-3-TR, phát hành vào tháng 6 năm 2023, các chứng rối loạn giấc ngủ được phân nhóm thành 6 loại chính, cụ thể như sau:[2, 5, 7]

  • Mất ngủ (Insomnia): người bệnh có nhiều cơ hội để nghỉ ngơi những không thể ngủ và duy trì giấc ngủ. Đây là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất.
  • Rối loạn hô hấp có liên quan đến giấc ngủ (Sleep-Related Breathing Disorders): đúng như tên gọi, nhóm các rối loạn này khiến một người không thể hô hấp được như bình thường khi ngủ. Điển hình là chứng ngưng thở khi ngủ (Sleep apnea), một loại rối loạn giấc ngủ nguy hiểm.
  • Rối loạn vận động có liên quan đến giấc ngủ (Sleep-Related Movement Disorders): các chứng rối loạn khiến giấc ngủ của một người bị xáo trộn do những chuyển động của cơ thể khi ngủ. Điển hình là hội chứng chân không nghỉ (Restless leg syndrome).
  • Central Disorders of Hypersomnolence (tạm dịch là Rối loạn trung ương của chứng buồn ngủ quá mức): người mắc các chứng rối loạn giấc ngủ thuộc nhóm này luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và buồn ngủ quá mức. Điển hình là chứng ngủ nhiều (Hypersomnia) và chứng ngủ rũ (Narcolepsy).
  • Parasomnias (tạm dịch là Bệnh mất ngủ giả): người bệnh có những hành vi bất thường trong khi ngủ, chẳng hạn như: mộng du, nói chuyện, rên rỉ, ăn uống, tè dầm…
  • Rối loạn nhịp sinh học ngủ-thức (Circadian Rhythm Sleep-Wake Disorders): là tình trạng nhịp sinh học của một người bị gián đoạn hoặc không đồng bộ với môi trường xung quanh khiến giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như: chứng rối loạn giấc ngủ do làm việc theo ca (Shift work sleep disorder), rối loạn giấc ngủ khi dịch chuyển nhanh qua nhiều múi giờ (Jet lag)… 
So 2

Nguyên nhân

Có nhiều yếu tố nguy cơ khiến một người bị rối loạn giấc ngủ:[2, 5]

  • Mắc bệnh: bệnh tim, bệnh phổi, bệnh tâm thần (bao gồm cả trầm cảm và lo lắng), béo phì, tiểu đường…
  • Đang sử dụng một số loại thuốc điều trị.
  • Do di truyền.
  • Sử dụng caffeine và rượu.
  • Lịch trình sinh hoạt và làm việc thất thường.
  • Sự lão hóa. Khi già đi, con người thường ngủ ít hơn hoặc dành ít thời gian hơn cho giai đoạn ngủ sâu, sóng chậm. Họ cũng dễ bị đánh thức hơn.
  • Đôi khi nguyên nhân không thể được xác định.
So 3

Triệu chứng

Hãy chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia hoặc bác sỹ nếu bạn nhận thấy mình có bất kỳ dấu hiệu phổ biến nào sau đây khi bị rối loạn giấc ngủ, từ 3 đêm trở lên mỗi tuần:[2, 4]

  • Mất hơn 30 phút mỗi đêm để chìm vào giấc ngủ.
  • Thường xuyên thức giấc và gặp khó khăn khi quay trở lại giấc ngủ.
  • Thức dậy quá sớm vào buổi sáng.
  • Không cảm thấy sảng khoái và tỉnh táo dù ngủ đủ giấc.
  • Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và có thể ngủ ngay trong vòng 5 phút nếu có cơ hội chợp mắt. Bạn thường ngủ bất chợt và vào những thời điểm không phù hợp.
  • Những người xung quanh nói rằng khi ngủ, bạn ngáy to, khịt mũi, thở hổn hển, phát ra âm thanh như nghẹt thở hoặc ngừng thở trong thời gian ngắn.
  • Có cảm giác khó chịu, ngứa ran hoặc như bị kim châm ở chân hoặc tay, cảm giác này sẽ thuyên giảm khi  di chuyển hoặc xoa bóp, đặc biệt là vào buổi tối và khi cố gắng chìm vào giấc ngủ.
  • Những người xung quanh nhận thấy chân hoặc tay của bạn thường xuyên giật giật khi ngủ.
  • Có những trải nghiệm sống động như mơ khi chìm vào giấc ngủ hoặc khi ngủ gật.
  • Bị yếu cơ đột ngột khi tức giận, sợ hãi hoặc khi cười.
  • Cảm thấy như không thể di chuyển khi mới thức dậy.
  • Cần phải sử dụng chất kích thích (Caffeine, nicotine…) để duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày.

Bạn cũng nên nhớ rằng, trẻ em cũng có thể có một số dấu hiệu nêu trên khi bị rối loạn giấc ngủ nhưng chúng thường không cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Thay vào đó, trẻ có thể trở nên hiếu động quá mức và gặp khó khăn trong việc tập trung. Trẻ cũng có thể không đạt được thành tích học tập như mong muốn.

So 4

Điều trị

Nhìn chung, các chứng rối loạn giấc ngủ thường được ưu tiên chữa trị và phòng ngừa bằng những cải thiện về vệ sinh giấc ngủ. Tùy thuộc vào chứng rối loạn cụ thể và tình trạng nghiêm trọng mà bác sỹ sẽ chỉ định thêm các biện pháp điều trị bổ sung như: [1,2]

  • Liệu pháp thư giãn tâm lý giúp giải tỏa căng thẳng trước khi ngủ.
  • Kê đơn thuốc, có thể bao gồm thuốc ngủ hoặc một số loại sản phẩm tự nhiên như melatonin…
  • Liệu pháp ánh sáng (Light therapy).
  • Sử dụng máy trợ thở CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) giúp hỗ trợ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

Nguồn tham khảo

+ 7 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] BS. Nguyễn Văn Bàng. 12/4/2022. Khắc phục và phòng ngừa rối loạn giấc ngủ. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 28/3/2024, từhttps://suckhoedoisong.vn/khac-phuc-va-phong-ngua-roi-loan-giac-ngu-169221202153425795.htm

[2] MedlinePlus. “Sleep Disorders”. Medlineplus.gov. Truy cập vào 28/3/2024, từ https://medlineplus.gov/sleepdisorders.html

[3] American Psychiatric Association. “What are Sleep Disorders?”. psychiatry.org. Truy cập vào 28/3/2024, từ https://www.psychiatry.org/patients-families/sleep-disorders/what-are-sleep-disorders#:~:text=Sleep%20disorders%20(or%20sleep%2Dwake,%2C%20anxiety%2C%20or%20cognitive%20disorders.

[4] National Heart, Lung, and Blood Institute (U.S. Department of Health and Human Services – National Institutes of Health), Your Guide to Healthy Sleep. USA: NIH Publication No. 11-5271, 2011.

[5] Bibek Karna, Abdulghani Sankari, Geethika Tatikonda. 11/6/2023. Sleep Disorder. In StatPearls. StatPearls Publishing. Truy cập vào 28/3/2024, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560720/

[6] M.Walker, Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017.

[7] American Academy of Sleep Medicine. “The AASM International Classification of Sleep Disorders – Third Edition, Text Revision (ICSD-3-TR)”. Aasm.org. Truy cập vào 28/3/2024, từ https://aasm.org/clinical-resources/international-classification-sleep-disorders/

Chia sẻ bài viết