Sức khỏe tim mạch cần đến giấc ngủ như thế nào?

Thật khó để diễn tả được hết tầm quan trọng của trái tim. Hoạt động bền bỉ, không ngừng nghỉ từ lúc sinh ra cho đến khi về với cát bụi, trái tim nói riêng và hệ tuần hoàn nói chung chịu trách nhiệm “nuôi sống” cơ thể bằng dòng máu chứa đầy oxy và giàu chất dinh dưỡng. 

Thật không may, các vấn đề về tim mạch luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên toàn cầu.[1]Các chuyên gia luôn khuyên chúng ta nên duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe tim mạch như: ăn uống điều độ, vận động thường xuyên…và ngủ ngon giấc.

Bài viết sau đây giúp bạn đọc hiểu thêm về mối liên hệ giữa giấc ngủ và bệnh tim mạch, từ đó khuyến khích bạn quan tâm hơn đến một lối sống lành mạnh cho sức khỏe tim mạch, bao gồm cả một giấc ngủ ngon.

So 1

Tầm quan trọng của giấc ngủ đến sức khỏe tim mạch

Tháng 6 năm 2022, giấc ngủ chính thức được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) bổ sung vào danh sách 8 thói quen thiết yếu giúp cải thiện sức khỏe tim mạch (Life’s Essentials 8) gồm:[2]

Lifes Essentials 8

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Columbia University’s Mailman School of Public Health), việc dự đoán các nguy cơ mắc bệnh tim mạch của một người sẽ hiệu quả hơn nếu chúng bao gồm cả các khảo sát về giấc ngủ.[3]

Nhìn chung, có thể thấy được vai trò của giấc ngủ đến sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng ngày càng được các nhà khoa học coi trọng.

So 2

Thiếu ngủ tác động đến sức khỏe tim mạch thế nào?

Ngủ là thời gian cần thiết để cơ thể phục hồi. Như đã biết, trong trạng thái giấc ngủ NREM, nhịp tim, huyết áp, nhịp thở dần chậm lại và trở nên ổn định. Những thay đổi này giúp trái tim nói riêng và hệ tuần hoàn nói chung được nghỉ ngơi, phục hồi sau những căng thẳng xảy ra khi thức.

Chính vì vậy, thiếu ngủ có tác động rất tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Cụ thể như sau:

Tác dộng của thiếu ngủ đến sức khỏe tim mạch

Huyết áp cao (High blood pressure) luôn được xem là “kẻ giết người thầm lặng”.[4] Nhịp tim và huyết áp sẽ giảm xuống khi bạn ngủ ngon giấc và chỉ cần một đêm thiếu ngủ cũng đủ làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp. Chính vì vậy, thiếu ngủ và các vấn đề về giấc ngủ khiến huyết áp của bạn luôn ở mức cao, làm gia tăng các rủi ro về sức khỏe tim mạch.[5-9]

Bệnh động mạch vành (Coronary artery disease) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Động mạch vành là một hệ thống các mạch máu dẫn máu đến để nuôi trái tim và xơ vữa động mạch là dạng bệnh thường gặp nhất.[10, 11]

Xơ vữa động mạch là tình trạng mạch máu bị xơ cứng và tắc nghẽn bởi các mảng bám được hình thành từ chất béo, cholesterol, canxi…làm giảm lượng máu lưu thông. Thiếu ngủ là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, góp phần làm gia tăng khả năng mắc bệnh động mạch vành:[5, 8, 11, 12]

  • Trong vòng 5 năm, những người ở lứa tuổi trung niên chỉ ngủ 5-6 tiếng mỗi đêm có khả năng bị vôi hóa động mạch vành cao hơn 200-300% so với người ngủ được 7-8 tiếng.[5]
  • Thiếu ngủ có liên quan đến sự gia tăng 45% nguy cơ phát triển và/hoặc tử vong do bệnh động mạch vành.[5]

Những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của thiếu ngủ đến huyết áp, tình trạng xơ vữa động mạch và các vấn đề sức khỏe có liên quan làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.[5, 8, 13 ,14]

Người thường xuyên thiếu ngủ cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng và đường huyết của mình, dẫn đến khả năng cao họ bị thừa cân, béo phì và tiểu đường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tin rằng thiếu ngủ có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính[15]. Đây đều là những yếu tố nguy cơ cao gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch.[1]

So 3

Rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tim mạch

Là một trong những nguyên nhân gây thiếu ngủ, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều nghiên cứu giúp làm sáng tỏ thêm được mối tương quan giữa các chứng rối loạn giấc ngủ và những vấn đề về sức khỏe tim mạch:

  • Mất ngủ (Insomnia) là một loại rối loạn giấc ngủ phổ biến, những người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim.[6, 16]
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea: OSA) là tình trạng đường thở bị tắc nghẽn và gây ra tình trạng ngừng thở trong thời gian ngắn khi ngủ, đây có thể là lý do vì sao OSA có liên quan đến nhiều vấn đề về tim mạch. Bên cạnh đó, những người sống chung với OSA thường bị béo phì, tiểu đường hay cao huyết áp, vốn đều là những yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh tim mạch.[6, 17, 18]
  • Hội chứng chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome: RLS) gây ra những rối loạn chuyển động bất thường khi ngủ, RLS không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ mà còn có thể làm cho nhịp tim và huyết áp bị dao động mạnh dẫn đến những hệ lụy cho hệ tim mạch.[19, 20]

Không chỉ dừng lại ở hệ tim mạch, “thiếu ngủ sẽ giết chết bạn theo nhiều cách”. Những giấc ngủ ngon và đủ thời lượng khuyến nghị là rất cần thiết cho sức khỏe. Hãy trân trọng giấc ngủ và áp dụng các biện pháp vệ sinh giấc ngủ vào cuộc sống, biến giấc ngủ thành đồng minh cho trái tim cũng như cuộc sống của bạn.

Đừng chần chừ tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia hoặc bác sỹ nếu bạn nhận thấy các vấn đề giấc ngủ và sức khỏe tim mạch của mình ngày một xấu đi.

Nguồn tham khảo

+ 20 nguồn

Nội dung tham khảo được lấy từ các nguồn uy tín như: sách, các trang web của chính phủ (.gov), các cơ sở dữ liệu về khoa học (PubMed, Uptodate…) và các trang tin điện tử chính thống.

[1] Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế. “Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh Tim Mạch”. Moh.gov.vn. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/cac-yeu-to-nguy-co-dan-en-benh-tim-mach?inheritRedirect=false

[2] American Heart Association. “Life’s Essential 8™”Heart.org. Truy cập vào 04/3/2023, từ https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/lifes-essential-8

[3] Jen Christensen. 19/10/2022. Sleep may be just as important to heart health as diet and physical activity, research finds. CNN Health. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://edition.cnn.com/2022/10/19/health/sleep-heart-health-wellness/index.html

[4] Hội tim mạch học Việt Nam. “Tăng huyết áp “Kẻ giết người thầm lặng””. vnha.org.vn. Truy cập vào 12/3/2023, từ http://vnha.org.vn/huyetap.vn/baiphatthanh/2.THA-Ke-giet-nguoi-tham-lang.pdf

[5] M.Walker, “Mất ngủ và hệ tim mạch”, trong Sao chúng ta lại ngủ. Hà Nội: NXB Lao Động, 2017, tr. 238-244.

[6] Centers for Disease Control and Prevention. How Does Sleep Affect Your Heart Health?. Cdc.gov. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.cdc.gov/bloodpressure/sleep.htm

[7] David A. Calhoun, MD and Susan M. Harding, MD, FCCP. 2010. Sleep and Hypertension. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2913764/

[8] Michael A. Grandner, PhD MTR, Pamela Alfonso-Miller, MD, Julio Fernandez-Mendoza, PhD, Safal Shetty, MD, Sundeep Shenoy, MD, and Daniel Combs, MD. 2016. Sleep: Important Considerations for the Prevention of Cardiovascular Disease. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5056590/

[9] National Heart, Lung, and Blood Institute. “High Blood Pressure – Causes and Risk Factors”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.nhlbi.nih.gov/health/high-blood-pressure/causes

[10] GS.TS.BS. Trương Quang Bình. 21/7/2020. Bệnh động mạch vành: Những lời cảnh báo. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. Truy cập vào 17/6/2023, từ https://suckhoedoisong.vn/benh-dong-mach-vanh-nhung-loi-canh-bao-169177379.htm

[11] National Heart, Lung, and Blood Institute. “Coronary Heart Disease – Causes and Risk Factors”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.nhlbi.nih.gov/health/coronary-heart-disease/causes

[12] National Institutes of Health. How disrupted sleep may lead to heart disease. Nih.gov. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/how-disrupted-sleep-may-lead-heart-disease

[13] Iyas Daghlas, Hassan S Dashti, Jacqueline Lane, Krishna G Aragam, Martin K Rutter, Richa Saxena, Céline Vetter. 2019. Sleep Duration and Myocardial Infarction. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31488267/

[14] National Heart, Lung, and Blood Institute. “How Sleep Works – Why Is Sleep Important”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.nhlbi.nih.gov/health/sleep/why-sleep-important

[15] Roma Pahwa, Amandeep Goyal, Ishwarlal Jialal. 2022. Chronic Inflammation. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK493173/

[16] National Heart, Lung, and Blood Institute. “Insomina – What is Insomnia?”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.nhlbi.nih.gov/health/insomnia

[17] Shahrokh Javaheri, Ferran Barbe, Francisco Campos-Rodriguez, Jerome A Dempsey, Rami Khayat, Sogol Javaheri, Atul Malhotra, Miguel A Martinez-Garcia, Reena Mehra, Allan I Pack, Vsevolod Y Polotsky, Susan Redline, Virend K Somers. 2017. Sleep Apnea: Types, Mechanisms, and Clinical Cardiovascular Consequences. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28209226/

[18] National Institute of Neurological Disorders and Stroke. “Sleep Apnea”. Nhlbi.nih.gov. Truy cập vào 12/3/2023, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/sleep-apnea

[19] Daniel J. Gottlieb, Virend Somers, Naresh Punjabi and John W. Winkelmanf. 2017. Restless legs syndrome and cardiovascular disease: A research roadmap. National Library of Medicine. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5334194/

[20] Harvard Health Publishing – Harvard Medical School. Heart Advances from Harvard: Restless legs syndrome and coronary artery disease risk. Health.harvard.edu. Truy cập vào 05/3/2023, từ https://www.health.harvard.edu/heart-health/heart-advances-from-harvard-restless-legs-syndrome-and-coronary-artery-disease-risk

Chia sẻ bài viết